Mặc dù Hội đồng thẩm định nêu một số ưu điểm của sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục, như: tập thể tác giả biên soạn công phu, tâm huyết, có quan điểm, cách tiếp cận riêng... Tuy nhiên, 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ... Ngay sau đó, được hỏi về kết quả thẩm định này, GS Hồ Ngọc Đại nói: “Đến 50 năm thì tôi cũng yên lòng, sản phẩm của tôi đưa ra khác với hiện hành về nguyên lý sư phạm về bộ sách giáo khoa (SGK). Tôi căn cứ vào sự phát triển của trẻ em làm chuẩn. Các vị viết theo suy nghĩ của các vị, còn trẻ em nó khác”.
“Tại sao đem con cháu chúng tôi làm chuột bạch ?”
Dưới lăng kính của bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, sự việc nêu trên cũng được nhìn nhận ở nhiều góc độ. “Tôi ở TP.HCM. Từ xưa học sách cũ cũng vẫn biết đọc biết viết, lớn lên cũng đỗ đạt cũng thành công trong cuộc sống. Tại sao thời nay cứ đem con cháu chúng tôi ra làm chuột bạch, hết đổi SGK này đến đổi cách dạy khác? Chúng tôi chỉ cần chúng biết đọc biết viết, thêm một ít kiến thức và kỹ năng sống thực tế là đủ. Điều đó thì SGK cấp 1 hiện nay đều có đủ, vậy cứ lấy cớ này nọ đổi mới làm gì?... Chỉ buồn là đáng lẽ phải làm sớm hơn; không nên để cho một bộ sách không đạt chuẩn thử nghiệm 40 năm nay”, BĐ Trần Văn Minh chia sẻ.
|
Trong khi đó, BĐ Hoàng Cao Hiên (TP.HCM) cho rằng việc đổi mới giáo dục chỉ nằm trong chương trình phổ thông mới, đã được lấy ý kiến rộng rãi. SGK chỉ là thể hiện cụ thể chương trình đó ra. Mỗi nhà xuất bản có cách làm khác nhau, nhưng không được đi ra ngoài bộ khung chương trình đó. Điều đáng nói là cách làm SGK vẫn theo quy tắc cũ, nên chương trình có đổi mới thì xã hội không hiểu hết thì thấy không thay đổi gì.
Tôi là giáo viên trường làng, được thụ giáo những giáo sư có tên tuổi trong nước. Tôi rất khâm phục tài năng và trí tuệ của các vị, nhưng thực lòng thì “kính nhi viễn chi”, tôi rất sợ phải dạy cho học trò tôi các khái niệm toán của các vị. Cách đây 40 năm, tôi dạy “2 tam giác bằng nhau là 2 tam giác có các cạnh tương ứng bằng nhau, các góc bằng nhau” (theo sách cũ xưa). Cải cách, các GS vặn hỏi, thế nào là các cạnh “tương ứng”? Toán mà không rõ ràng, chính xác là không được. Phải dạy “tam giác ABC và tam giác A'B'C' bằng nhau khi (và chỉ khi) AB = A'B', BC = B'C'...". Anh bạn tôi (cũng là một giáo làng) hỏi: Vậy “tam giác ABC có 3 cạnh đôi một khác nhau có bằng tam giác BCA (cũng là tam giác ấy nhưng đọc khác thứ tự đỉnh) hay không? Vì cạnh AB và BC đâu có bằng nhau? Chẳng ai trả lời, nhưng sách cứ in...
Nguyễn Doanh Hòa (Cần Thơ)
Phải loại ra hết những người có quyền lợi gắn liền với sách này trước khi khảo sát (khảo sát mà một số BĐ đề nghị - PV) thì mới khách quan được.
Arya Start (TP.HCM)
|
Hãy khảo sát !
Tuy nhiên, cũng có ý kiến chia sẻ, đánh giá ngược lại, như của BĐ Nguyễn Cát (Bình Định): “Quý vị hãy xem xét thật chu đáo vì chương trình của GS Hồ Ngọc Đại rất hay. Cụ thể đã áp dụng ở 1 trường thực nghiệm tại TP, nơi tôi cư trú. Hơn 10 năm tiếp xúc các học sinh học chương trình này, đa số học sinh tiểu học theo chương trình này đều không viết sai chính tả, đọc rất chuẩn...” và đề nghị không đánh đồng GS Hồ Ngọc Đại với “những người khác”.
Trước những ý kiến đa chiều xung quanh kết quả thẩm định bộ sách trên, theo BĐ Bùi Nguyễn Hồng Tâm (Vĩnh Long): “Để mang tính khách quan, hãy tổ chức một cuộc khảo sát trên toàn quốc về tính “ưu việt” của SGK do ông Hồ Ngọc Đại biên soạn trên cơ sở đánh giá về mọi khía cạnh mới có thể kết luận...”.
Bình luận (0)