Lăng kính bạn đọc: Mong muốn cứu di sản đô thị

11/09/2019 08:29 GMT+7

Thông tin về hai bức tranh tường cổ động ở phố Bạch Mai và Minh Khai (Hà Nội) sắp bị phá do mở đường đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn đọc.

Cùng với những người quan tâm di sản đô thị, nhiều bạn đọc đã lên tiếng về việc cứu tranh khẩn cấp.
Theo PGS-TS Khuất Tân Hưng, Chủ nhiệm bộ môn di sản đô thị, Khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, 2 bức tranh cổ động tại ngã tư được họa sĩ Trường Sinh thực hiện khoảng những năm 1980. Giá trị của 2 bức tranh rất lớn.
“Thời đó, ở cửa ô vào những năm 1980 có một loạt kiểu công trình như thế được xây dựng. Nó đánh dấu những mốc phát triển đô thị. Đó là những cột mốc… Không chỉ từng bức tranh có ý nghĩa riêng, mà nó đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ phát triển - thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở VN”, ông nói.

“Nếu mất đi, chẳng bao giờ tìm thấy được”

Kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý, người có nhiều cuốn tản văn về Hà Nội, cho rằng các bức tranh tường trước hết có giá trị lịch đại. Chúng là vật chứng của một giai đoạn lịch sử, của một quan niệm tư tưởng mà các nhà nghiên cứu không thể bỏ qua. Về mặt thể loại, đây là một sản phẩm hiếm hoi còn lại của nghệ thuật hoành tráng đô thị ở Hà Nội.
Bạn đọc (BĐ) Phương Lê 701 (Bà Rịa - Vũng Tàu) viết: “Mở đường phát triển giao thông là cần thiết, nhưng cái gì quý hiếm có giá trị về mặt lịch sử có ý nghĩa, đánh dấu một giai đoạn, một thời kỳ thì ta phải gìn giữ chứ sao lại phá đi? Đâu phải cứ phát triển cái mới mà đập bỏ cái cũ”. Còn BĐ Ha (Quảng Ninh) đặt câu hỏi: “Đô thị phát triển nhưng không gìn giữ được văn hóa mang tính lịch sử thì có khẳng định được những nét văn hóa và lịch sử hình thành phát triển của một đô thị không?”. Trong khi đó, BĐ LeHa (Bình Thuận) đề nghị hãy giữ lấy 2 bức tranh tường quý giá và có tính lịch sử này, bởi “Nếu mất đi, chẳng bao giờ tìm thấy được. Lúc đó hối hận cũng quá muộn màng”.

Hiến kế cứu lấy di sản đô thị

PGS-TS Khuất Tân Hưng bày tỏ: “... do nhận thức chưa đủ, nhiều người nghĩ phải thực sự cổ xưa mới là di sản. Nhưng thực ra, di sản đang hình thành ngay cả trong đời sống đương đại. Bức tranh đó là một di sản đô thị” và đề nghị: “Hoàn toàn có thể giữ lại như biểu tượng. Nếu mở đường, nó nằm giữa đường. Thậm chí còn không phải di dời. Ta có thể tổ chức cuộc thi thiết kế đô thị để thiết kế cái đảo đô thị với bức tranh tường đó. Tại sao không làm như thế?”.
Ý kiến trên được nhiều BĐ đồng tình. Một số BĐ cho rằng nếu không giữ được tại chỗ thì di dời nhưng vẫn giữ được 2 bức tranh tường. BĐ Mạnh Đức (Ninh Thuận) viết: “Việt Nam hiện tại có mấy vị thần đèn nổi tiếng kia mà. Chỉ bỏ ra chút ít kinh phí rồi di dời ra vị trí công cộng khác, rất đơn giản”. BĐ Tuấn HN (Hà Nội) đề nghị: “Hãy cố gắng bảo tồn những công trình kiến trúc lịch sử như 2 bức tranh tường quý hiếm này, vốn không nhiều ở Việt Nam”. Cùng quan điểm, BĐ htlai (Ninh Thuận) nhấn mạnh: “Giữ thì dễ mà, vài ông thợ hồ với xe cẩu thì xong. Vấn đề cấp thẩm quyền liên quan có quan tâm hay không”.
“Đừng coi thường những di sản đô thị này. Nó là lịch sử, là chứng nhân của một giai đoạn, nếu mất đi chẳng bao giờ tìm thấy được”.
Yêu Di Sản (TP.HCM)
Tôi sống qua thời chiến nên ủng hộ việc di dời vào công viên cho những thế hệ sau tìm về một thời đã qua thấy lịch sử.
Nguyễn Văn Sơn (Gia Lai)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.