Lăng kính Bạn đọc: 'Tội ác là đây chứ đâu...'

Đình Huân
Đình Huân
12/09/2019 05:00 GMT+7

Bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ khi biết được ' quy trình' sản xuất 'nước mắm cá cơm' = nước lã + chất tạo màu... của một cơ sở ở Bình Dương.

Hành vi đầu độc người tiêu dùng

Ngày 11.9, Báo Thanh Niên đăng tải bài viết Lật tẩy đường dây sản xuất nước mắm bẩn đưa về TP.HCM vạch trần thủ đoạn làm ăn gian dối của cơ sở sản xuất nước mắm Phúc Khang (KP.Bình Đức 2, P.Bình Hòa, TX.Thuận An, Bình Dương).

"Luật của VN phạt còn quá nhẹ. Theo tôi, cái gì đưa vào trong cơ thể con người mà làm giả ảnh hưởng đến sức khỏe thì phạt tù ít nhất 5 năm. Mức phạt như hiện nay không đủ sức răn đe".    

Hùng (TP.HCM)

Theo đó, cơ sở này sản xuất 5 loại nước mắm với các dung tích khác nhau (5 lít, 900 ml, 650 ml, 500 ml và 200 ml). Với các loại dung tích 5 lít, 900 ml và 500 ml, quy trình sản xuất, pha chế như sau: 20 can nước mắm nguyên liệu (khoảng 1 - 2% độ đạm) + 6 can nước (20 lít/can) + caramen để tạo màu, sau đó sang chiết vào các chai có dung tích như trên rồi dán nhãn mác thương hiệu nước mắm cá cơm Phúc Khang và bán ra thị trường. Với loại có dung tích 650 ml và 200 ml thì để nguyên nước mắm nguyên liệu, không pha chế gì thêm, chỉ đóng chai rồi dán nhãn nước mắm cá cơm hiệu Phúc Khang mang đi tiêu thụ. Do làm bằng nước lã, hóa chất... nên giá của mỗi loại nước mắm cũng “siêu rẻ”: loại 5 lít/chai giá 35.000 đồng; loại 900 ml/chai giá 5.500 đồng; loại 650 ml giá 12.000 đồng; loại 500 ml giá 4.000 đồng; loại 200 ml giá 4.500 đồng. Sau khi đóng chai, cơ sở này cho người chở đi giao tới các quán cơm bình dân.

Dùng hóa chất pha với nước tạo thành nước mắm rồi bán ra thị trường

Vụ việc gây ra sự phẫn nộ nơi bạn đọc (BĐ). Nhiều người cho biết trước giờ nghe nhiều về thực phẩm bẩn, tuy nhiên khi đọc được "quy trình" sản xuất nước mắm như thế này họ vẫn bị sốc. BĐ Ngọc Khánh (TP.HCM) bức xúc: "Chúng tôi vô cùng phẫn nộ. Đề nghị Quốc hội mau chóng sửa luật phạt tội hình sự và làm mạnh tay hơn nữa để răn đe. Đồng thời phải tăng cường kiểm tra các cơ sở khác và kịp thời thông tin rộng rãi hình ảnh, tên những cơ sở sản xuất như thế này trên báo đài cho người dân được biết".
Trong khi đó, BĐ Võ Tá Luân (TP.HCM) thẳng thắn: "Tội ác là đây chứ đâu...". Cùng quan điểm, BĐ Huỳnh Minh Thế (Đồng Nai) viết: "Những kẻ giết người thầm lặng là đây! Chúng tôi mong pháp luật xử lý hình sự, không xử lý hành chính".

"Con đường đi đến bệnh viện ung thư của người dân là từ những lò sản xuất này. Phải xử lý trước pháp luật những con người mất lương tâm này để răn đe những ai sản xuất hàng giả".

Thanh Cường (TP.HCM)

BĐ Cầu Vòng Xanh (TP.HCM) bức xúc: "Xã hội còn có những kẻ táng tận lương tâm như thế này thì cũng đừng ngạc nhiên và hỏi tại sao bây giờ nhiều căn bệnh nan y cứ như từ trên trời rơi xuống... Càng lạ hơn đó là sự bàng quan của các cơ quan ban ngành có chức năng nhiệm vụ kiểm tra giám sát theo dõi vệ sinh an toàn thực phẩm. Rồi hệ thống hành pháp cũng xử lý những vụ này quá nhẹ nên không hề mang tính răn đe...".

Phải xử lý hình sự

Nhiều BĐ cho rằng sở dĩ tình trạng thực phẩm bẩn cứ "tái đi tái lại" trên khắp cả nước là do pháp luật xử lý hành vi này còn nhẹ chưa có tính răn đe. Nhiều người đề nghị cần sửa luật theo hướng xử phạt nặng hơn những hành vi như thế này. "Đề nghị luật xử phạt cao nhất có thể vì loại tội phạm này làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người, thiệt hại nền kinh tế, ảnh hưởng đến doanh nghiệp làm ăn chân chính. Loại tội phạm vô cùng nguy hiểm như thế này mà luật xử phạt vài chục triệu đồng là quá nhẹ, trong khi mức nguy hại cho xã hội là rất lớn", BĐ tên Thành (TP.HCM) bức xúc.
"Cảm ơn Báo Thanh Niên đã đưa thông tin này cho mọi người được biết. Mong pháp luật hãy nghiêm trị thật nặng loại người này, đây là hình thức giết người không gươm đao. Hình như hình phạt về loại tội phạm này không đủ mạnh nên vừa phạt chỗ này xong thì chỗ khác lại nổi lên", BĐ Thu Thảo (An Giang) đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.