Cụm từ ngữ “ về rừng U Minh sống ” mà ông Đoàn Ngọc Hải lỡ lời khi trao đổi với một người dân vi phạm quy định vỉa hè bỗng nhiên làm dấy lên một tranh luận vô tiền khoáng hậu.
Thậm chí Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau còn gửi văn bản đề nghị ông Hải “nói lại cho rõ để định hướng dư luận”.
Thật ra, cứ đỗ xe bừa bãi, hành xử tùy tiện bất chấp luật lệ, quy định quản lý xã hội thì đúng là kiểu hành xử như thể sống một mình trong rừng, như thể xài luật rừng vậy. Ví von “về rừng U Minh mà sống” của ông Hải trúng về bản chất vấn đề. Nhưng tiếc là mắc lỗi hình thức. Giá mà ông Hải không nhắc đến địa danh U Minh trong trường hợp này. Hoặc giá ông ấy nhắc đến rừng Amazon chứ không phải U Minh thì chẳng bị chỉ trích gì đâu.
Lắm người thì luôn nói đúng nhưng chẳng trúng được gì. Tức là nói rất chặt chẽ, logic, không bắt lỗi được nhưng bản chất thông tin thì vòng vo, tránh né, không đi vào trọng tâm vấn đề. Còn ông Hải, trong trường hợp này thì ngược lại, ông ấy nói trúng nhưng lại không đúng. Trúng là trúng bản chất vấn đề, là chỉ thẳng mặt việc không tôn trọng luật lệ, là thói quen hành xử tùy tiện kiểu luật rừng. Nhưng chưa đúng là ở chỗ, ông Hải vô tình làm người ta hiểu sai lệch điều mình nói, bắt lỗi hình thức rằng ông xem thường người dân U Minh.
Sau một chuyện như vừa rồi, ông Hải và những người thi hành công vụ sẽ thấm thía bài học phát ngôn chuyên nghiệp của nhà chức trách khi tiếp xúc dân. Làm trúng - nói trúng chưa đủ, còn phải học cách làm đúng - nói đúng với dân nữa. Nhất là bây giờ, người dân được “vũ trang” các thiết bị thông tin. Làm một chuyện không đúng luật lệ với dân sẽ không còn đơn giản là một sự nhầm lẫm hay sơ ý, mà có thể bị phóng chiếu là không tôn trọng pháp luật. Nói một câu không đúng với dân sẽ không còn đơn giản là một sự lỡ lời, mà có thể bị xem là một thái độ hành xử.
Nhưng ông Hải không nên là người duy nhất phải rút ra bài học trong chuyện này. Những người nghe, người tiếp nhận câu chuyện cũng phải học cách phân định bản chất vấn đề cho trúng. Bắt nhau vài lỗi hình thức trong lời ăn tiếng nói là việc chẳng mấy khó, vì trong thực tế chuyện lỡ lời không hiếm, nhất là trong lúc nóng nảy. Chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi ông Đoàn Ngọc Hải cân nhắc lời lẽ khi nói với dân, nhưng cũng đừng thổi phồng chuyện “câu chữ” và phủ nhận luôn điều ông nói trúng. Triết lý của những câu chuyện cổ tích như Chàng Cóc, như Sọ Dừa vẫn còn nguyên đó. Rằng chúng ta có đủ sáng suốt để đi xuyên qua lớp vỏ bề ngoài xấu xí, sần sùi để chạm được vào những giá trị tốt đẹp bên trong một ai đó, một vật một việc gì đó.
‘Từ đáy lòng mình, tôi khẳng định từng câu chữ, nội hàm và bối cảnh câu nói của tôi không có ý nào liên quan hay ám chỉ đến người dân U Minh thân thương nói riêng và người dân Cà Mau thân thương nói chung’, ông Đoàn Ngọc Hải chính thức lên tiếng bằng văn bản hồi đáp tỉnh Cà Mau.
Đúng có khi chỉ là cái vỏ bề ngoài của ngôn từ. Trúng mới là cái bản chất của sự thật cần quan tâm.
Bình luận (0)