Đừng vội trách công nhân 'nghĩ cạn'

11/04/2022 04:29 GMT+7

Chỉ trong tháng 3, tại TP.HCM đã có hơn 12.000 người nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội 1 lần.

Còn lũy kế 3 tháng đầu năm nay, con số này lên đến 37.000 người, tăng 19% so cùng kỳ 2021.

Việc người lao động (NLĐ) làm hồ sơ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần không chỉ tăng ở TP.HCM, mà ở hầu hết địa phương, nhất là các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, thương mại, công nghiệp thu hút nhiều lao động. Thực tế này diễn ra từ đầu năm 2021 và có chiều hướng tăng cao, cho thấy sức chịu đựng của một bộ phận không nhỏ NLĐ sau 2 năm đại dịch đã đến ngưỡng cuối, buộc họ phải ăn vào “của để dành”, chấp nhận rất nhiều thiệt thòi trong tương lai. Hình ảnh người mẹ trẻ ôm con nhỏ vài tháng tuổi đứng xếp hàng từ tờ mờ sáng đến trưa chờ làm thủ tục nhận tiền BHXH 1 lần không chỉ khiến nhiều người cay khóe mắt, mà còn gợi nhiều điều trong quản lý và xây dựng, thực thi chính sách.

Tham gia BHXH, NLĐ đều biết đó là khoản tích lũy để phần nào đảm bảo cuộc sống khi về hưu, không phải mang tiếng phụ thuộc hay “ăn bám” con cháu, xã hội. Ý nghĩa này NLĐ thuộc nằm lòng, và nó cũng được các nhà quản lý luôn nhấn mạnh khi tuyên truyền về BHXH. Trên nhiều diễn đàn bàn về vấn đề này, không ít ý kiến cũng chỉ ra việc rút BHXH 1 lần là “thiển cận”, không biết lo xa…

Nhưng hãy thử đặt mình vào NLĐ, nhất là công nhân, lao động phổ thông, làm việc tự do… Hơn hai năm đại dịch Covid-19 càn qua, công việc bấp bênh, nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp, chút tiền tích lũy lâu nay mang ra lo đủ thứ từ thuê nhà, ăn uống đến mua sữa, thuốc men cho con…, dù dè xẻn đến mấy cũng nhanh chóng cạn kiệt. Nhiều người phải dắt díu nhau về quê nương náu gia đình. Nay dịch lắng xuống, họ trở lại thành phố tìm việc làm với hai bàn tay trắng. Thu nhập không có, trong khi đủ thứ chi phí hằng ngày đè lên vai, giá cả thì không ngừng tăng, miếng ăn trước mắt còn chưa lo đặng, hỏi làm sao có thể “nghĩ xa” đến ngày về hưu mà hưởng thụ…

Muốn NLĐ nghĩ xa, trước mắt họ cần ổn định đời sống, mà cách tốt nhất là tạo việc làm cho họ có thu nhập. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ NLĐ đưa ra cần triển khai kịp thời hơn. Thời gian qua, đã có nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ được triển khai, mang tới hiệu quả nhất định. Nhưng phải thắng thắn nhìn nhận, việc đưa chính sách đến với NLĐ nhiều lúc còn chậm. Ngay chính sách mới nhất và đang được công nhân mong chờ là hỗ trợ tiền thuê nhà trong 3 tháng, từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/người/tháng, sau nhiều tháng ban hành đến nay vẫn loay hoay triển khai, nhiều địa phương “đang chờ hướng dẫn”...

Về lâu dài, cần nhìn bao quát chính sách về tiền lương, BHXH. Chẳng hạn, quy định thời gian đóng BHXH để được nhận lương hưu hiện tối thiểu 20 năm là quá dài và đã có định hướng sửa đổi, nhưng vẫn chậm; trong khi thị trường lao động thay đổi rất nhanh, việc làm nay đó nhưng mai thất nghiệp không chừng, đảm bảo thu nhập để đóng BHXH hàng chục năm không hề đơn giản. Bên cạnh đó, cần có thêm những đề xuất ưu đãi cho người tham gia BHXH lâu dài, chẳng hạn về thuê - mua nhà xã hội, được vay tiền khi khó khăn thông qua thế chấp chính sổ BHXH đã đóng… Làm sao để NLĐ thấy việc tham gia BHXH có lợi ích rõ ràng, giúp ổn định cuộc sống trước mắt và lâu dài, thì tất họ sẽ gắn bó.

Đại dịch Covid-19 là chưa từng có, nó làm thay đổi rất nhiều khía cạnh xã hội và hệ lụy có thể kéo dài nhiều năm tới, đòi hỏi mỗi cơ quan không chỉ nhập cuộc quyết liệt hơn, mà còn cần thiết có những điều chỉnh chính sách kịp thời, phù hợp thực tiễn phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.