Đổi mới giáo dục kiểu 'ăn đong'

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
09/04/2022 06:40 GMT+7

Từ sau năm 1975 đến nay, ngành GD-ĐT đang thực hiện đợt “cải cách” lần thứ 3.

Trước chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi nhìn nhận lại lần thay sách giáo khoa theo chương trình năm 2000, một trong những hạn chế hàng đầu được Bộ GD-ĐT chỉ ra là tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV) cục bộ vẫn chưa được giải quyết, còn một bộ phận GV chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới...

Lần đổi mới này, chính ngành GD-ĐT và các chuyên gia hàng đầu về giáo dục cũng khẳng định GV là yếu tố quyết định thành công của đổi mới chương trình giáo dục, bởi chương trình và sách giáo khoa có soạn thảo hay đến mấy mà thiếu người thực thi là GV thì cũng chỉ là “cải cách trên giấy”.

Những tưởng nhận thức ấy sẽ quyết định hành động. Chương trình dự thảo suốt nhiều năm trời, ban hành năm 2018 và bắt đầu thực hiện từ năm 2020. Thế nhưng, đến khi bắt tay vào thực hiện thì đội ngũ GV vẫn là vấn đề nhức nhối nhất. Năm đầu tiên, địa phương nào cũng báo cáo dù khó, dù thiếu cả về phòng học lẫn GV thì vẫn dồn lực để dành những gì tốt nhất cho lớp 1, nhưng phần lớn các địa phương, kể cả thủ đô Hà Nội hay TP.HCM, biên chế GV đều thấp hơn so với nhu cầu thực tế, thấp hơn so với quy định tối thiểu của Bộ GD-ĐT. Do vậy, dồn lực cho một số năm đầu đổi mới sẽ dẫn tới những khối lớp và cấp học khác sẽ phải thiếu hụt.

Năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, lo ngại này đã hiện hữu khi xuất hiện các môn học mới ở lớp 3 và lớp 10, đồng thời giảm số môn học bắt buộc, tăng quyền lựa chọn môn học cho học sinh ở cấp THPT. Chương trình “vẽ” ra rất hay nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy tính khả thi quá thấp. Đưa hàng loạt môn học mới vào giảng dạy bắt buộc hoặc thêm lựa chọn cho học sinh nhưng đến thời điểm này, chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu năm học mới thì nhiều tỉnh thành vẫn “trắng” GV các môn mới. Nhiều địa phương cho biết thậm chí còn không có GV nào để đưa vào hội đồng chọn sách giáo khoa của các môn mỹ thuật, âm nhạc chứ chưa nói đến việc dạy ở các trường THPT.

Một nhà giáo có thâm niên đi qua các lần cải cách giáo dục cảm thán: “Mấy chục năm rồi vẫn vậy, lẽ nào lần này vẫn lặp lại cảnh thầy cô nào biết hát thì phân công dạy kiêm âm nhạc, ai biết vẽ thì dạy mỹ thuật… như cả trước đó mấy chục năm trời”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để việc chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mang tính dài hơi, tránh tình trạng “ăn đong” như hiện nay, đề nghị lãnh đạo địa phương chỉ đạo sở GD-ĐT có những tham mưu tổng thể, không chỉ cho năm học 2022 - 2023 mà tính toán đầy đủ các phần việc cho các năm tiếp theo.

Đành rằng, ngành GD-ĐT không có quyền quyết định việc tuyển dụng GV ở các địa phương, nhưng cũng không “vô can” khi hàng loạt tỉnh, thành thiếu GV mà không có nguồn tuyển dụng. Cơ quan soạn thảo chương trình là Bộ GD-ĐT; phụ trách đào tạo, bồi dưỡng GV cũng là Bộ GD-ĐT. Vậy mà chính ngành GD-ĐT cũng không cân đối nổi cung - cầu về nguồn nhân lực cho chính ngành mình; không đi trước một bước về đào tạo đội ngũ GV các môn học mới do mình thiết kế, khiến các địa phương phải rơi vào tình cảnh phải “ăn đong” từng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.