Ông Erdogan không chỉ thể hiện ngay thái độ phản đối của phía Thổ Nhĩ Kỳ mà còn nhân danh chủ tịch đương nhiệm của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) triệu tập cuộc họp cấp cao khẩn cấp của tổ chức này.
Kết quả của hội nghị là tổ chức nhất trí công nhận vùng phía đông của thành phố Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine, điều này còn có nghĩa là công nhận nhà nước Palestine. Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel thì thế giới Hồi giáo công nhận vùng miền đông của thành phố này là thủ đô của nhà nước Palestine.
Nhà nước Israel đã được thành lập từ năm 1948 còn nhà nước Palestine thì chưa mà mới chỉ có được chính quyền tự trị Palestine. Trọng lực của cú “ăn miếng trả miếng” từ phía Thổ Nhĩ Kỳ nhờ đấy mà được tăng lên. Ông Erdogan đã chớp dịp này để phất ngọn cờ dẫn dắt trong thế giới Hồi giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng của Mỹ và đồng minh quân sự của Mỹ trong NATO. Nước này cũng có quan hệ hợp tác không đến nỗi tệ với Israel. Nhưng rõ ràng với việc phát huy vai trò chủ tịch đương nhiệm của OIC như trên,Thổ Nhĩ Kỳ còn cho thấy chủ ý giữ khoảng cách với cả Mỹ lẫn Israel và công cụ hóa việc này để tranh thủ các nước trong thế giới Hồi giáo.
Sự công nhận nói trên của OIC không làm thay đổi được gì nhiều trên thực địa ở Jerusalem nhưng vẫn có tác động chính trị và tâm lý không hề nhỏ vì định hướng quan điểm cho cả thế giới Hồi giáo và làm cho Mỹ và Israel thêm bị cô lập ở khu vực.
Bình luận (0)