Dưới nếp nhà sàn: Gìn giữ nếp nhà bằng hương ước

Khánh Hoan
Khánh Hoan
01/09/2023 07:48 GMT+7

Hương ước, một "bộ luật" của bản đã giúp nhiều bản làng người Thái ở Nghệ An gìn giữ được bản sắc, phong tục, tập quán và xóa bỏ được hủ tục lạc hậu.

Những "bộ luật" của bản làng

Nhà sàn người Tháicó 2 tầng, tầng trên là nơi tiếp khách, ăn uống, ngủ, nghỉ và sinh hoạt của gia đình. Còn tầng trệt thường dùng để chứa gỗ, củi khô và nuôi nhốt gia súc, gia cầm. "Nuôi lợn, gà, bò dưới tầng trệt là thói quen có từ lâu lắm rồi, nhưng rất bẩn và mất vệ sinh", ông Lô Văn Quang (một người dân ở bản Boong, xã Lạng Khê, H.Con Cuông, Nghệ An) nói.

Năm 1990, ông Quang là phó bản Boong, ông soạn thảo một bản hương ước được ví như một "cuộc cách mạng" làm thay đổi nhiều thói quen không tốt của dân bản. Hương ước gồm 5 điều, quy định về việc nhốt, chăn dắt trâu bò. Trâu bò không được thả rông, phải nhốt riêng biệt bằng chuồng, không được nuôi nhốt trâu bò, lợn, gà dưới tầng trệt nhà sàn. Hương ước sau đó được thông qua dân bản bằng một cuộc họp và được mọi người đồng ý, ký cam kết thực hiện. "Từ đó, nhà nào cũng sạch, đường làng cũng sạch, không còn trâu bò thả rông phá hoại cây trồng của nhau nữa", ông Quang nhớ lại.

Năm 1997, cơn lốc ma túy tràn về vùng núi này. Hương ước bản Boong lại được bổ sung tiếp 5 điều, quy định: "Các gia đình không được để con em nghiện, tham gia buôn bán ma túy. Nếu bị nghiện ma túy, gia đình phải tự cai, không được làm phiền xã hội, nếu không thể tự cai được thì đưa đi cai ở trại tập trung". Dù nằm trên trục QL7, các bản làng khác bị ma túy tấn công với nhiều nạn nhân bị nghiện ngập, buôn bán ma túy nhưng ở bản Boong "nhiều năm rồi, bản ta không ai nghiện và buôn ma túy", ông Quang khoe.

Dưới nếp nhà sàn: Gìn giữ nếp nhà bằng hương ước  - Ảnh 1.

Bản Boong ở xã Lạng Khê, H.Con Cuông, Nghệ An

K.HOAN

Thanh niên bản Boong đi làm ăn xa trở về với cái đầu nhuộm vàng, trắng khiến dân bản không ưa. Năm 2017, bản Boong lại bổ sung quy định mới vào hương ước: "Thanh niên của bản nếu nhuộm tóc khác màu sẽ không được bước qua cổng làng". Quy định được thông qua dân bản và được mọi người đồng ý. Ông Quang giải thích: "Chúng tôi không khắt khe với con cháu, nhưng muốn con cháu giữ được nét văn hóa truyền thống tóc đen, không học đòi văn hóa lai căng bên ngoài".

Năm 2015, hương ước bản Boong đã được soạn thảo lại, quy định chi tiết về nếp sống, văn hóa ứng xử, ăn mặc, học hành, tổ chức đám cưới, tang lễ, giữ gìn an ninh trật tự, môi trường… Ông Quang nói, 30 năm có hương ước, 102 hộ dân bản Boong đã thuộc làu các quy định của bản và rất ít người vi phạm.

Giữ gìn nếp nhà sàn

Nhà sàn là ngôi nhà truyền thống có từ lâu đời của người Thái ở Nghệ An. Người Thái sống trên núi, nhà sàn để tránh thú dữ tấn công. Ngày nay thú dữ gần như không còn, nhưng nhà sàn vẫn là sự lựa chọn của cộng đồng dân cư này vì kiến trúc nhà cao ráo, thoáng mát và phù hợp với phong tục.

Làm nhà sàn rất tốn gỗ. Ông Lô Hồng Thuyên (ngụ bản Lam Khê, xã Chi Khê, H.Con Cuông) nói để dựng một ngôi nhà sàn, phải có 16 - 20 cây cột gỗ cao 6 - 7 m, chưa kể một khối lượng gỗ lớn khác để làm xà, kèo, rui, mè... Rừng đã cạn gỗ và bị nghiêm cấm khai thác nên việc duy trì ngôi nhà sàn là chuyện không dễ. Gần 20 năm qua, ở bản Lam Khê, xã Chi Khê, người dân đã chuyển sang dùng bê tông để thay gỗ.

Ông Thuyên cho biết hương ước của bản đã có từ năm 1972. Đến năm 2004, hương ước quy định thêm việc hạn chế tối đa việc sử dụng gỗ tự nhiên để làm nhà. Sử dụng cột, xà bằng bê tông vừa bền lại tiết kiệm được 50 - 60% chi phí so với dùng gỗ. Năm 2013, ông Thuyên cũng sửa lại căn nhà sàn của gia đình bằng 20 chiếc cột bê tông. Các phần còn lại ông tận dụng gỗ của căn nhà cũ. Các bức vách ông dùng ván gỗ cây tràm để ghép lại, bên trên lợp ngói đất nung. Sàn dưới, ông láng nền xi măng, làm nơi chứa các vật dụng của gia đình.

Lam Khê hiện có gần 200 gia đình, trong đó 95% nhà dùng cột bê tông. Với sự khéo léo của người thợ, một số nhà dùng sơn giả gỗ để sơn lên nên nhìn rất bắt mắt, cứ ngỡ là gỗ. Hương ước ở Lam Khê cũng quy định không được nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới nhà sàn để bảo vệ môi trường.

Ở bản Liên Đình (xã Chi Khê), hương ước của bản đã có từ hàng chục năm trước, được bổ sung, sửa đổi và được người dân thực hiện rất nghiêm túc. Ở bản này, cứ 22 giờ 30, sau khi tiếng kẻng vang lên, các hoạt động của các gia đình trong bản gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác đều phải dừng lại. "Đây là cách để giữ bình yên cho mọi người, kiểm soát được người xấu vào bản để làm điều không tốt", ông Lô Hồng Thái, trưởng bản Liên Đình nói.

Ở xã Hạnh Dịch (H.Quế Phong, Nghệ An), các bản làng đều có hương ước từ hàng chục năm qua. Nhờ hương ước nên người dân đã giữ được rừng, bỏ được các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. Ông Lô Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch, cho rằng nhờ có tính cộng đồng và lòng tự trọng cao nên người Thái thực hiện rất tốt hương ước của cộng đồng. Ai vi phạm sẽ tự thấy xấu hổ với cộng đồng và sợ nhất là bị cộng đồng xa lánh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.