Đường đời đầy nước mắt của cựu 'nữ hoàng điền kinh' Vũ Bích Hường
25/06/2015 14:49 GMT+7
(TNO) Đường chạy vinh quang, tràn ngập tiếng cười bao nhiêu, đường đời của cựu 'nữ hoàng điền kinh' Việt Nam Vũ Bích Hường lại gian truân và tràn ngập nước mắt bấy nhiêu.
Tự động phát
Chân dung "nữ hoàng điền kinh" một thời của Việt Nam - Ảnh: Lê Nam
|
Chúng tôi xót xa khi đẩy cánh cửa một căn hộ trong khu nhà ở xã hội ở quận Long Biên, Hà Nội, tiếng Vũ Bích Hường đã cất lên khe khẽ, nhưng chưa thấy bóng dáng chị đâu. Lúc sau, một người phụ nữ gầy rộc, đôi mắt thâm quầng, chân trái teo quắt lại đang chầm chậm vịn vào kệ bếp bước ra. Vũ Bích Hường vừa thở, vừa nhoẻn miệng cười chào chúng tôi, mồ hôi bết trên tóc: “Chị vừa đi bấm huyệt về”.
"Nhìn ảnh thi đấu, tôi chỉ có ước mơ được đi lại bình thường"
Vũ Bích Hường trên đường chạy thời kỳ đỉnh cao - Ảnh tư liệuVũ Bích Hường bên HCV SEA Games 1995 lẫy lừng 20 năm trước - Ảnh: Lê Nam
|
Bi kịch của người phụ nữ sinh năm 1969 nối dài thêm từ ngày chị phát hiện con trai út bị rối loạn tâm lý. Cháu bé sinh năm 2004 sau những ngày ở trường mầm non bị cô giáo nhốt phạt trong toilet sinh ra chứng rất dễ nổi nóng, cáu gắt, nhiều khi mất khả năng kiểm soát hết hành vi. Hai vợ chồng nghèo, xoay xở để có tiền trang trải cho cuộc sống và chữa trị cho con. Số phận thử thách Bích Hường khi 3 năm trước, đột ngột, chồng chị mất vì ung thư phổi. Một người đàn ông khỏe mạnh bình thường, nặng trên 90 kg, bỗng đột nhiên phát hiện ra ung thư giai đoạn cuối. 9 tháng chạy chữa khắp nơi, nhưng cuối cùng, gia sản trong nhà vùi sâu trong 3 tấc đất cùng nấm mộ chồng.
“Đám tang chồng, mình đội khăn xô, con trai nhỏ vẫn cởi trần, nói cười chẳng biết gì. Không có nghị lực, tôi chẳng biết là mình còn sống được đến hôm nay không nữa”, Vũ Bích Hường khóc nấc lên.
Người phụ nữ từng không "ngán" bất cứ thử thách trên đường chạy nào giờ đi lại rất khó khăn - Ảnh: Lê NamChị khó nhọc khi làm công việc nhà - Ảnh: Lê Nam
|
Còn một mình trên cuộc đời, nuôi nấng các con, đùng một ngày, tai nạn giao thông xảy ra với Vũ Bích Hường, ngay trên đường chị đi làm. VĐV điền kinh từng khiến cánh mày râu phát "ngán" trên đường chạy chỉ có thể nằm yên một chỗ, không thể đứng, không thể ngồi yên, mê man trong những cơn đau. Mọi việc di chuyển dù rất nhẹ nhàng trong nhà, Vũ Bích Hường cũng phải nhờ đến con dâu, con trai. Con trai cũng là VĐV, đi xa nhà biền biệt, có những lần anh rể chị phải đến tận nhà cõng chị tới bệnh viện giữa đêm để tiêm thuốc giảm đau vì những cơn đau quằn quại.
“Tôi không thể tự mình buộc tóc cho mình. Con trai phải ở trên đội tuyển, con dâu đi làm cả ngày, trưa về lại sấp sấp ngửa ngửa nấu cơm cho mẹ ăn, cháu nội 4 tuổi phải gửi hết ông bà ngoại, tôi thấy thương các con quá, bảo là cứ mặc kệ mẹ, cứ đi làm đi, mẹ nhờ các bác hàng xóm”, Bích Hường kể lại 3 tháng trước, những ngày mà chị tưởng mình sẽ sống liệt nửa người suốt đời.
Chiếc áo số 10 của Công Phượng với đầy đủ chữ ký của các cầu thủ U.23 Việt Nam động viên chị Vũ Bích Hường - Ảnh: Lê Nam
|
Bộ môn điền kinh từng đón chị lên ở Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội một thời gian ngắn vì thương chị cô đơn, bệnh tật dễ nghĩ quẩn. Các đồng nghiệp chăm sóc bữa ăn, tối tối các học trò lại sang ngủ cùng. Khi cái chân trái đỡ đau hơn một chút, chị về nhà.
“Suốt một thời gian đầu, tôi bò lồm cồm trong nhà vì đau điên dại. Các con chuẩn bị bánh kẹo, sữa để ngay cạnh cho mẹ để tôi ăn lúc nào thấy đói bụng. Cháo, mì cũng chuẩn bị sẵn từ sáng, tôi nằm đấy, chống 2 khuỷu tay xuống đấy, rồi cầm cái thìa xúc ăn, vừa ăn nước mắt cứ chảy ra”, Vũ Bích Hường chìa ra hai khuỷu tay chai sần lại, thâm đen, dấu tích của những bữa ăn khó nhọc.
“Giở lại bức ảnh mình thi đấu trước đây, tôi chỉ có một ước mơ giản dị, được bước đi bình thường”, đôi mắt người phụ nữ ầng ậc nước.
Những cuộc hội ngộ tràn nước mắt
Sáng 25.6. Cốc cốc cốc. Sau tiếng gõ cửa, một người đàn ông bước vào. Vũ Bích Hường loạng choạng đứng dậy, nhào ra, vòng tay chấp chới suýt ngã. Trước mặt chị là anh Nguyễn Sơn Hà, VĐV Taekwondo cùng thời với Vũ Bích Hường những năm đầu thập niên 90.
Sau SEA Games ở Chieng Mai, Thái Lan năm 1995, Nguyễn Sơn Hà - Vũ Bích Hường biền biệt xa cách, cuộc hội ngộ sau 20 năm giàn giụa nước mắt. “Cuộc đời em không bằng phẳng, nhưng biết tin về chị, em thấy nỗi khổ của em chẳng bằng một móng tay, chị ạ”, họ khóc.
Cuộc hội ngộ bất ngờ của Nguyễn Sơn Hà, người bạn taekwondo 20 năm trước với Vũ Bích Hường - Ảnh: Lê NamCó ai đến nhà chơi, biếu quà, Vũ Bích Hường cũng thắp hương cho chồng, như một cách thủ thỉ tâm sự - Ảnh: Lê NamChị đã có thể tự nấu cơm cho các con ăn, sức khỏe tiến bộ rõ rệt - Ảnh: Lê NamCon trai Ngọc Quang và mẹ, Vũ Bích Hường. Ngọc Quang đang là thành viên đội tuyển điền kinh quốc gia, tham gia SEA Games 28 - Ảnh: Lê Nam
|
Vũ Bích Hường sinh năm 1969, “tuổi con gà, đến nay 46 rồi vẫn chăm chỉ bới đất”, ấy là chị giãi bày về mình. Bởi, sao đường chạy thì lắm vinh quang, mà đường đời thì nhiều bi kịch quá.
Chị giành HCV SEA Games 1995 khi con trai đầu đã 5 tuổi, thành tích nổi danh cả Đông Nam Á khi nữ hoàng điền kinh Việt Nam vượt qua huyền thoại Elma Muros người Philippines để giành vàng. Có bằng huấn luyện rồi, Vũ Bích Hường vẫn tiếp tục thi đấu đến mãi năm 2010 mới nghỉ để chuyển sang HLV. Con trai lớn của chị, thanh niên Ngọc Quang đi theo con đường của mẹ, cũng tham gia SEA Games 28 vừa qua nhưng thành công chưa mỉm cười.
Những ngày đau thương này, Vũ Bích Hường càng cảm nhận được tình yêu thương vô bờ của những người thân, bạn bè, anh em, cả những người từng nhìn chị trên truyền hình trước đây mà chị không hề biết tên.
“Một ngày, có mấy cô trong TP.HCM bay ra, gõ cửa và tặng quà, bảo là chỉ là người rất hâm mộ. Một công ty y tế tặng cái nẹp cột sống để tôi mang theo bên người. Rồi đoàn thanh niên của Ngân hàng quân đội, hội những người họ Vũ - Võ cũng sang tận nhà, mọi người động viên, đưa tôi tiền để chữa bệnh”, Vũ Bích Hường kể mà trong lòng vẫn day dứt. Chị không biết bao giờ mới trả được hết ân tình của bao người.
“Giờ thì ngày nào tôi cũng đi tìm HCV”
Những ngày này, sáng nào Bích Hường cũng được một chị bạn chở từ khu đô thị Việt Hưng sang phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm để bấm huyệt ở gan bàn chân. Mỗi lần bấm huyệt mất 200.000 đồng, nhưng ơn trời, chị cảm nhận rõ rệt sự tiến triển hàng ngày ở đôi chân. Chân trái căng lên, đau dữ, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy nó đã có cảm giác.
Mấy hôm nay, Bích Hường đã bỏ nạng ra được, có thể vịn cầu thang, tự đi lên xuống 3 tầng khu chung cư. Chị nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, dù những khi ngồi xuống phải rất khó nhọc, làm rất chậm. Lan can cầu thang khu nhà ở xã hội cứ cứ sáng bóng lên, ghi dấu “hành trình tìm HCV” mỗi ngày của người phụ nữ can đảm.
Cuộc sống phía trước còn rất gian truân, khi bây giờ căn nhà chị và các con sinh sống còn đang nợ 279 triệu đồng. Mỗi tháng, chị không thể xoay đâu ra 7,6 triệu đồng tiền trả góp. May mắn, hiện giờ Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Hà Nội, bộ môn điền kinh vẫn hỗ trợ chị chi phí điều trị, để nguyên chế độ lương, bảo hiểm cho chị.
“Con trai út vừa được chứng chỉ tiếng Anh, cháu thích đá bóng và thương mẹ nhiều hơn. Con dâu cả đang có bầu đứa cháu nội thứ 2, từng đó thứ đủ cho tôi thêm lạc quan. Làm sao mình có thể ngã được, khi có bao người yêu thương mình như thế”, hình như Bích Hường lại khóc.
|
Bình luận (0)