Người mắc bệnh tiểu đường nếu không kiểm soát đường huyết tốt thì sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là những biến chứng liên quan đến tim mạch, theo Newsbreak.
Hai thời điểm quan trọng nhất để đo đường huyết trong ngày là trước bữa ăn và trước khi ngủ |
SHUTTERSTOCK |
Do đó, bệnh nhân tiểu đường muốn sống chung với bệnh thì phải có một lối sống lành mạnh. Ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên là cực kỳ quan trọng.
Người mắc tiểu đường nên tránh xa các món có nhiều đường và tinh bột trắng. Họ cũng cần tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Sự kết hợp này sẽ giúp đường huyết luôn duy trì ở mức tối ưu, nhờ đó mà hạn chế rất nhiều nguy cơ xảy ra biến chứng.
Với việc theo dõi đường huyết, một số người lại phải kiểm tra nhiều lần trong ngày, chẳng hạn như người mắc tiểu đường loại 1.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, những bệnh nhân tiểu đường loại 1 phải kiểm tra đường huyết tối đa 4 lần/ngày. Hai thời điểm quan trọng nhất để đo đường huyết trong ngày là trước bữa ăn và trước khi ngủ.
Vào thời điểm trước khi ngủ, mức đường huyết được khuyến cáo ở mỗi độ tuổi sẽ khác nhau như sau:
Người trưởng thành: từ 30 đến 150 mg/dL.
Người từ 13 đến 19 tuổi: từ 90 đến 150 mg/dL.
Trẻ dưới 6 tuổi: từ 110 đến 200 mg/dL.
Ngoài ra, với một số bệnh nhân tiểu đường thì cũng cần kiểm tra đường huyết vào lúc trước và sau khi tập luyện thể thao nếu tập cường độ cao. Cơ thể đang không khỏe hoặc căng thẳng sẽ dễ khiến đường huyết biến động. Khi đó, người bệnh có thể cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
Bệnh tình và thể trạng của mỗi người mắc tiểu đường sẽ khác nhau. Do đó, nếu muốn biết chính xác lượng đường huyết cần điều chỉnh và lời khuyên cho lối sống lành mạnh thì người bệnh hãy tìm đến bác sĩ, theo Newsbreak.
Bình luận (0)