Được xã trả lương để đá bóng
Dương Quang Hổ (biệt danh là "Chà", do từ nhỏ có nước da ngăm đen như "Chà Và Ấn Độ") sinh năm 1959 mê bóng đá từ nhỏ, đá chân trái vô cùng khéo léo và sớm nổi danh với những cú dốc bóng thần tốc bên cánh trái, có thể vừa chạy vừa sút rất hiểm hóc làm nhiều hàng phòng ngự đối thủ phải lo sợ. Trở thành cầu thủ của tuyển Phú Khánh từ năm 1976 khi mới 17 tuổi, Quang Hổ đã sớm trở thành cơn lốc làm điên đảo mọi khuôn thành.
Khi đó bóng đá Việt Nam có những chân trái điêu luyện như Thế Anh của CLB Quân đội, Lê Văn Đặng của Công An Hà Nội quá nổi tiếng ở miền Bắc hay Nguyễn Văn Ngôn của Cảng Sài Gòn, Trương Văn Tư (Tư béo) của Công nhân Hóa Chất ở miền Nam, nên khi xem Hồ Chà thi đấu, nhiều người ví von anh có lối đá sắc sảo, hiệu quả xứng đáng kế tục những ngôi sao này và trở thành "cánh chim đá cánh trái không mỏi" của miền Trung
Quang Hổ kể lại giai thoại về mình "Thời mới giải phóng, số trẻ mới lớn như tôi chiều nào cũng tụ họp chơi đá bóng. Ngay xã Diên Thủy (huyện Diên Khánh) quê tôi cũng tập hợp thanh niên tập luyện rất đông. Xã này còn thành lập ra Hội bóng đá, tổ chức điều hành 2 đội bóng người lớn và vài nhóm trẻ để thi đấu giao hữu và với sự đóng góp của tôi nên liên tục thắng những đội bóng ở địa phương khác. Thấy tôi đá bóng giỏi nhưng chẳng có nghề ngỗng gì, bạn bè rủ đi làm để kiếm tiền nên tôi cũng xuôi theo. Thấy vậy, Hội bóng đá xã phải họp lại quyết định chỉ cho tôi đi làm thêm buổi sáng; buổi chiều phải lo bóng đá cho xã, đồng thời tôi được trả lương hàng tháng để thi đấu và tập thêm cho các em trẻ.
Tôi rất bất ngờ vì thời đó mà xã đã tìm cách cho tôi có thu nhập bằng đá bóng dù không nhiều nhưng manh nha chuyện "sống được với nghề" khiến tôi quyết định dấn thân cho bóng đá xã mình nhiều hơn. Tôi không biết chỗ khác ra sao nhưng có lẽ tôi chưa thấy địa phương nào làm một việc như thế. Nói cách khác thời đó ở miền Trung chắc tôi là cầu thủ cấp xã đầu tiên và duy nhất trong cả nước được hưởng đặc ân này chăng?"
|
Xứng danh "Vua trụ hạng"
Bóng đá Phú Khánh hay Khánh Hòa ngày nay được nhiều người biết đến với danh xưng ngỗ ngáo và quan trọng là luôn được xem là Vua trụ hạng. Bản thân Quang Hổ dù thăng trầm sự nghiệp cũng gắn liền danh xưng này khi góp phần đưa bóng đá tỉnh miền biển này luôn vượt qua các vòng chung kết ngược một cách thần kỳ. Như năm 1984 đã vượt qua Dệt Nam Định và An Giang hay 1985 đẩy Tổng cục Đường sắt xuống hạng.
|
Do trình độ chuyên môn tương đồng nên cả hai đội đều vào cuộc rất thận trọng. Thi đấu giằng co trong 90 phút và cả 30 phút hiệp phụ vẫn không bên nào ghi được bàn thắng nên phải thi đấu luân lưu. Kết quả đội Phú Khánh giành quyền trụ hạng khi thắng 6-5, trong đó Hải Lơ và Hổ Chà đều sút phạt đền thành công. Tuy đội An Giang rớt hạng nhưng tiền vệ Nguyễn Châu Hồng cũng thừa nhận: "Phú Khánh có anh Hổ Chà kỹ thuật cá nhân và tốc độ tốt quá, lại có chân trái đi bóng lắt léo, gặt bóng và đi bóng rất nhanh nên hậu vệ đối thủ không "chăm sóc" kỹ thì rất nguy hiểm".
Lên tuyển chỉ đi tập huấn và đá giao hữu
Quang Hổ tập trung đội tuyển lần đầu ở Nha Trang năm 1981 sau đó ra Nhổn năm 1982 vừa tập vừa chờ đi nước ngoài. Theo kế hoạch ban đầu, dự kiến tập huấn ở 4 nước nhưng giờ chót bị hủy. Đến tháng 6.1983, được Liên Xô (cũ) mời, kết hợp với hiệp ước giữa quân đội Việt Nam và quân đội Hungary hàng năm có trao đổi học hỏi giữa hai đội tuyển nên ngành TDTT thành lập một đội tuyển "hai trong một" gồm một số cầu thủ trong đội tuyển quốc gia và một số cầu thủ các đội quân đội.
Chuyến tập huấn và thi đấu trên kéo dài khoảng 3 tháng với sự có mặt của 5 cầu thủ ở phía Nam là Nguyễn Kim Hằng và Nguyễn Văn Thành đều của đội Hải Quan, Nguyễn Phúc của Cảng Sài Gòn, Dương Ngọc Hùng của Nghĩa Bình và Dương Quang Hổ của Phú Khánh. Số cầu thủ còn lại thuộc các đội ở phía Bắc như Trần Văn Khánh, Lê Khắc Chính, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Ngọc Phương, Nguyễn Tiến Lâm, Hoàng Gia, Nguyễn Cao Cường, Nguyễn Văn Nhã..
|
Tiền đạo Dương Quang Hổ nhớ lại: "Đoàn đến Liên Xô đúng vào dịp hè nên rất mát mẻ, được phía bạn tiếp đãi chu đáo, ăn ở tại khách sạn nơi trước đó vào năm 1980 tổ chức Olympic nên cơ sở rất tiện nghi. Do lúc đó Liên Xô có tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc, các đội mạnh đẳng cấp thế giới của họ đều bận thi đấu nên đoàn chúng ta tập huấn và thi đấu 5 trận với các tuyển trẻ có thể hình cao to. Lúc đầu chúng ta gặp khó khăn, dần dần phát huy được ưu điểm khéo léo trong phạm vi hẹp. Ở Hungary, đội Việt Nam được thi đấu nhiều hơn (9 trận) nên cũng có thêm kinh nghiệm".
Trong lúc chờ xếp lịch đi nước ngoài (năm 1982), đội tuyển quốc gia được tổ chức đi một vòng các tỉnh có trình độ bóng đá tốt để phục vụ người hâm mộ. Đến đâu, cầu thủ địa phương nằm trong đội tuyển được trả về thi đấu cho đội của tỉnh. Nhờ có Hổ Chà trong đội tuyển quốc gia nên khán giả Phú Khánh cũng hưởng lợi, được xem những cầu thủ xuất sắc cả nước thi đấu trên sân 19.8 Nha Trang. Hai năm sau (1984) nhân có giải SKDA giữa các đội bóng quân đội các nước xã hội chủ nghĩa, sân này lại còn được tiếp các đội mạnh về đây thi đấu.
|
Trăn trở cùng bóng đá Khánh Hòa
Sau 16 năm thi đấu, Dương Quang Hổ chia tay nghiệp quần đùi áo số vào năm 1992 và sau đó học lấy các bằng huấn luyện viên (HLV) của Liên đoàn bóng đá châu Á để bước qua công tác huấn luyện. Ông đã giúp cho đội nhi đồng Khánh Hòa đoạt huy chương bạc giải nhi đồng toàn quốc năm 1995, qua năm 1996 làm HLV phó cho HLV trưởng đội tuyển Khánh Hòa Vũ Văn Tư.
Ngày 25.8.1997, căn cứ vào kết quả thi đấu sút kém nghiêm trọng của đội bóng Khatoco Khánh Hòa giải hạng nhất (hạng cao nhất quốc gia lúc đó) năm 1997, Giám đốc Sở TDTT Khánh Hòa Trần Vĩnh Lộc đã ra quyết định để HLV trưởng Vũ Văn Tư thôi nhiệm vụ, đình chỉ tập luyện - thi đấu và cắt toàn bộ chế độ với thủ môn Trần Quang Dũng, đình chỉ tập luyện - thi đấu với một vài trụ cột tên tuổi khác. Quyết định còn cử HLV Dương Quang Hổ chịu trách nhiệm chính về công tác chuyên môn của đội bóng. Nhưng do tính cách chưa thực sự "rắn" của mình nên ông Hổ cũng chỉ trụ lại vài năm, sau đó Khánh Hoà lại mời HLV Riedl
|
|
Năm 2001 và 2002 là hai năm đen tối của đội Khánh Hòa khi từ hạng đội mạnh quốc gia xuống hạng nhất rồi hạng nhì, tưởng đi đến xóa sổ. Khi đó, Dương Quang Hổ đang làm HLV đội U.18 Khánh Hòa và phát hiện khả năng của Lê Tấn Tài nên triệu tập lên đội U.18 của tỉnh. Chỉ một năm sau, Tài được đôn lên đội 1, thi đấu tỏa sáng trong hai mùa 2004 và 2005 (lúc này Dương Quang Hổ đã trở lại huấn luyện đội tuyển Khánh Hòa). Rồi từ đó Khánh Hòa thăng hạng hai mùa liên tiếp, trở lại thi đấu ở V-League suốt 6 năm tiếp theo. Tuy nhiên sự nghiệp cầm quân của ông Hổ lại trầy trật khi với bản tính hiền lành, ít va chạm, chưa thể hiện mạnh mẽ cá tính nên ông không thể kéo dài con đường huấn luyện đỉnh cao của mình.
Những mùa bóng tiếp theo, với cương vị mới, ông Hổ đã rất vất vả để chèo chống đội bóng qua các cơn sóng gió. Bên cạnh đó ông luôn nghĩ đến đồng nghiệp của mình, cùng với cố bác sĩ Trần Như Sum thành lập Hội cựu tuyển thủ để anh em tiếp tục tập luyện giữ sức khỏe và có dịp tương trợ lẫn nhau. Đối với lớp kế thừa, chính ông đã khuyên nhủ tận tình để các cháu tiến bộ, trong đó có hai học trò cưng là Lê Tấn Tài và Nguyễn Quang Hải (tự "Hải gà") góp công lớn trong việc đem chiếc cúp giải AFF vào năm 2008 lần đầu tiên về với Việt Nam.
Đến năm 2013, Khánh Hòa bất ngờ bàn giao cho Hải Phòng. Ông Hổ tỏ ra cay đắng: "Tôi là người lớn lên, trưởng thành rồi thi đấu và sau này làm HLV cho bóng đá Khánh Hòa nên cảm thấy rất hụt hẫng và sốc khi chứng kiến đội bóng quê nhà bị mang đi rao bán chẳng khác nào như con cá, mớ rau ngoài chợ. Bóng đá chuyên nghiệp của ta có đặc thù riêng, vì vậy chúng tôi rất hiểu và thông cảm với những gì mà lãnh đạo CLB gặp phải ở thời điểm ấy, nhất là khi buộc phải cơ cấu lại.
|
Nhưng nếu vì người hâm mộ, tôi nghĩ bóng đá Khánh Hòa sẽ không rơi vào bi kịch với nguy cơ trở thành vùng trắng, trước khi Công ty TNHH Nhà nước Yến Sào Khánh Hòa nhảy vào tiếp nhận lúc đó. Chứng kiến đội bóng bị bán đi để rồi phải vất vả và gian nan làm lại từ hạng Ba, những người làm chuyên môn như chúng tôi thật sự rất đau xót. Thế nên, chúng tôi rất trân trọng những gì mà bóng đá Khánh Hòa đang có dù hiện đang phải chơi ở hạng nhất"
Ông Hổ trăn trở " Bóng đá Khánh Hòa sẽ không chết nếu thực sự có quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Để không phải đi vào vết xe đổ như năm xưa, tôi cho rằng bóng đá Khánh Hòa cần hoàn thiện thêm nhiều thứ. Nguồn kinh phí chẳng hạn, ít nhiều gì tỉnh nên trực tiếp đầu tư và huy động sự chung sức của nhiều doanh nghiệp chứ không nên dựa mỗi mình Công ty Yến Sào làm “bà đỡ” là không ổn. Bên cạnh đó là phải quyết liệt làm trẻ, đó là con đường sống còn.."
Hiện ông Dương Quang Hổ và vợ Nguyễn Thị Trang đều vừa nghỉ hưu. Với tổng lương hưu hai người khoảng 10 triệu đồng, vợ chồng ông đang sống yên lành với người con gái duy nhất trong căn nhà của mình tại đường Cao Bá Quát (TP Nha Trang).
|
Bình luận (0)