'Ét o ét', 'gét gô', 'ô dề'... và những ngôn ngữ gen Z khuynh đảo năm 2022

Thanh Nam
Thanh Nam
31/12/2022 12:00 GMT+7

Có những cụm từ trở thành 'trend', là trào lưu và là ngôn ngữ của gen Z suốt năm vừa qua khi có mức độ 'phủ sóng' dày đặc trên mạng xã hội lẫn đời thực.

“Ét o ét” là ngôn ngữ của gen Z vào đầu năm 2022

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

“Ét o ét”

Đầu năm 2022, cụm từ “ét o ét” vô cùng thịnh hành trong đời sống gen Z. Có thể nghe, thấy “ét o ét” khắp mọi nơi.

“Ét o ét” là cách phiên âm tiếng Việt của tín hiệu “SOS”, được gen Z sử dụng thay cho biểu hiện "cứu tôi với" ở những tình huống rất hài hước, hoặc báo hiệu trường hợp cần sự chú ý.

Sở dĩ “ét o ét” nổi tiếng là từ một video clip hài hước nói về sự khác nhau giữa các thế hệ khi gặp tình huống nguy hiểm. Nếu những người thuộc thế hệ khác chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ, thì gen Z sẽ liên tục kêu “ét o ét” và chờ được giải cứu.

“Ét o ét” còn được dùng nhằm báo hiệu sự việc cần chú ý, chẳng hạn như giá xăng tăng cao, môi trường ngày càng ô nhiễm, vật giá tăng chóng mặt...

"Hay ra dẻ quá à"

"Hay ra dẻ quá à" là cách nói chệch đi của cụm từ "hay ra vẻ quá à", là cách nói theo phương ngữ miền Nam.

Tuy là câu nói gần gũi và quen thuộc trong đời sống thường ngày, tuy nhiên chỉ đến khi nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm nói "hay ra dẻ quá à" trong một chương trình truyền hình thực tế, thì câu nói này mới trở nên phổ biến và liền được gen Z ưa chuộng.

Theo đó, "hay ra dẻ quá à" được những người trẻ sử dụng với hàm ý chê những người hay có những hành động cư xử, thể hiện những thứ bản thân không có. Tuy nhiên, "hay ra dẻ quá à" chỉ mang tính đùa vui nhẹ nhàng, vui nhộn.

“Ú òa”

Đã có một thời gian, "ú òa" đã thật sự làm mưa làm gió trên mạng xã hội khi xuất hiện rất nhiều trong những status, bình luận... của người trẻ.

Sở dĩ "ú òa" đã trở nên 'chiếm sóng' nhiều như vậy vì được khởi đầu từ một người nổi tiếng là nam ca sĩ Mono.

Theo đó, khi trình diễn ca khúc Waiting for You tại đêm chung kết Miss Grand Vietnam 2022, nam ca sĩ người Thái Bình đã có động tác che mặt, sau đó mở ra và nói "ú òa". Biểu cảm dễ thương của nam ca sĩ nhanh chóng được yêu thích và khiến nhiều gen Z bắt chước làm theo.

Để rồi từ đó, cụm từ "ú òa" trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi. Ý nghĩa của "ú òa" chính là thể hiện sự bất ngờ, ngạc nhiên cho người khác.

"Mai đẹt ti ni"...

Gen Z, nhất là những cặp đôi yêu nhau từng 'chết mê chết mệt' với cụm từ "mai đẹt ti ni".

Trong những khoảng thời gian tháng 9, tháng 10, "mai đẹt ti ni" xuất hiện ngập tràn trên các nền tảng mạng xã hội, từ Facebook, TikTok cho đến YouTube, Instagram...

"Mai đẹt ti ni" xuất hiện trong bộ phim Thái Lan Ngược dòng thời gian để yêu anh (Love Destiny: The Movie).

Từ gốc là "my destiny", nhưng phát âm theo ngữ điệu của người Thái, đây trở thành cách những người còn độc thân bày tỏ mong muốn tìm thấy tình yêu, một nửa phù hợp với mình. Và với dân mạng Việt Nam, họ nhanh chóng "bắt trend", gọi "my destiny" thành "mai đẹt ti ni".

“Mai đẹt-ti-ni” cụm từ bắt nguồn từ một bộ phim Thái Lan nổi tiếng được yêu thích

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

"Gét gô"

"Gét gô" là cách phát âm của cụm "let's go" trong tiếng Anh. Nửa đầu năm 2022, cụm từ này bắt đầu phổ biến trong gen Z sau một clip ghi lại một người đàn ông tuyên bố sẽ thực hiện thử thách 6 ngày 6 đêm dưới bãi sình.

Trước khi bắt đầu, người này thường hô thêm khẩu hiệu "gét gô". Từ đó, cụm từ này nhanh chóng biến thành câu cửa miệng của giới trẻ mỗi khi rủ đối phương cùng thực hiện điều gì đó hoặc để bày tỏ sự quyết tâm.

Nói dễ hiểu hơn, "gét gô" chính là một biến tấu của giới trẻ Việt từ một từ tiếng Anh quen thuộc là "let's go".

Theo nhiều người trẻ, "gét gô" trở nên phổ biến vì cụm từ này dễ dùng, dễ nhớ và hài hước...

"Gét gô" trở nên phổ biến vì cụm từ này dễ dùng, dễ nhớ và hài hước...

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

"Ô dề"

"Ô dề" cũng là một trong những cụm từ mà gen Z hay sử dụng trong năm 2022.

Đã từng có nhầm lẫn cho rằng "ô dề" chính là cách đọc chệch của "oh yeah" trong tiếng Anh. Tuy nhiên sự thật không phải như thế.

Cụm từ "ô dề" này xuất phát từ clip ghi lại cảnh một phụ nữ trung niên ăn mặc lòe loẹt, trang điểm đậm nhưng vẫn khẳng định: "làm sơ sơ thôi, làm quá nó lố lăng, làm quá nó ô dề".

Để rồi từ đó, "ô dề" nhanh chóng được người trẻ sử dụng trong trường hợp phản ánh những thứ bị làm quá lên, không giống ai.

"Báo quá trời báo"

Trong những tháng cuối cùng của năm 2022, từ "báo" trở nên đặc biệt phổ biến trong ngôn ngữ của gen Z. Có thể kể như những người trẻ hay nói: "báo quá nha", "báo quá chừng báo", "báo quá trời báo", "sao báo dữ vậy chèn"...

Thật ra, "báo" dưới lăng kính của gen Z được dùng trong trường hợp ở mức độ nhẹ nói về những người không làm được gì có ích, còn nghĩa phê phán nặng hơn chỉ những gây ra hậu quả và khiến người khác phải gánh chịu, giải quyết hộ.

Cụ thể như, cụm từ "báo nhà" mà gen Z thường dùng, là chỉ những người không lo làm mà chỉ lo chơi, gây sự cố, nợ nần và chỉ tìm về nhà để nhờ bố mẹ giúp đỡ, xử lý hậu quả...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.