Ngày 17.8, tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản ở New York, Mỹ. Tập đoàn bất động sản từng đứng thứ 2 ở Trung Quốc rơi vào khó khăn kéo dài bởi vay nợ nhiều và mất khả năng trả nợ. Vụ phá sản của Evergrande tại Mỹ đóng vai trò như một hồi chuông cảnh báo về hệ quả của mô hình tăng trưởng nóng của Trung Quốc trong 30 năm qua.
Trong nhiều thập niên, Evergrande từng là một trong những nhà phát triển bất động sản thành công nhất Trung Quốc, nhưng nay lại ngập trong nợ nần. Kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn bùng nổ đã đẩy nhu cầu về nhà ở tăng quá mạnh, những công ty phát triển bất động sản thường bán các căn hộ cho người mua trước khi việc xây dựng hoàn tất.
Những sự thay đổi chính sách đột ngột của Bắc Kinh hai năm trước đã khiến các nhà phát triển bất động sản của nước này kẹt tiền mặt. Đây cũng là điểm khởi đầu của sự sụp đổ của Evergrande và kéo theo đó là toàn ngành bất động sản xứ Trung.
Chính quyền trung ương năm 2021 chuyển sang hạn chế cho vay quá nhiều để làm chậm đà tăng giá nhà, khiến các nhà phát triển bất động sản bị cắt nguồn tiền.
Evergrande khi đó có khoản nợ 300 tỉ USD đã không thể tích lũy tiền mặt đủ nhanh để thanh toán nợ.
Công ty bị vỡ nợ vào tháng 12.2021, gây ra hoảng loạn trên thị trường. Làn sóng vỡ nợ sau đó khiến thị trường bất động sản Trung Quốc tới nay vẫn chưa phục hồi. Hàng chục dự án bị đình chỉ xây dựng, khiến người dân trả tiền để mua trước các căn hộ rơi vào cảnh nợ nần trong khi nhà thì không có.
Giờ đây, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang lo lắng theo dõi Country Garden, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc có khoảng 300.000 nhân viên. Công ty này đã không thanh toán hai khoản nợ hàng tỉ USD và bị Moody’s xếp vào diện có rủi ro rất cao.
Khó có thể nói hết tầm quan trọng của bất động sản đối với kinh tế Trung Quốc. Ngành này chiếm tới 30% hoạt động kinh tế Trung Quốc và hơn 2/3 tài sản hộ gia đình ở nước này gắn liền với bất động sản.
Sau giai đoạn tăng trưởng ngắn hậu mở cửa, nay các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đều đang đình trệ. Nền kinh tế rơi vào giảm phát, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng nhanh, doanh số bán lẻ, nhu cầu xuất khẩu và sản xuất của nhà máy đều giảm.
Bắc Kinh đã thực hiện một số nỗ lực để giúp kích thích nhu cầu về nhà ở và giải phóng tiền mặt cho các nhà phát triển bất động sản, nhưng thời của những gói cứu trợ của nhà nước đã qua. Bắc Kinh nay không thể tung các gói cứu trợ lớn như giai đoạn 2008 vì sẽ để lại nhiều hệ lụy. Điều này khiến không ít các nhà phân tích nhận định thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu trong khá lâu nữa.
Bình luận (0)