EVN sẽ lỗ 99.305 tỉ đồng nếu không được điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân

31/03/2023 16:00 GMT+7

Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 27.685 tỉ đồng và dự kiến năm nay sẽ tiếp tục lỗ 71.620 tỉ đồng nếu chưa được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.

Đó là thông tin trong báo cáo của EVN khi làm việc với Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về những khó khăn trong thực hiện kế hoạch năm 2022 và triển khai kế hoạch 2023.

EVN sẽ lỗ 99.305 tỉ đồng nếu không được điều chỉnh giá điện bán lẻ bình quân - Ảnh 1.

EVN đối diện với khoản lỗ 99.305 tỉ đồng trong giai đoạn 2022 - 2023

TÚ UYÊN

EVN cho rằng, 2022 là một năm hết sức khó khăn đối với tập đoàn này và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.

EVN đã triển khai nhiều giải pháp như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính; vận hành tối ưu nguồn điện (huy động tối đa nguồn thủy điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao).

Tuy nhiên, trong bối cảnh chi phí mua điện tăng quá cao, giá bán lẻ điện không được điều chỉnh kịp thời, dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ 27.685 tỉ đồng.

Đối với chi phí mua điện từ các nguồn điện trong kế hoạch 2023, EVN tính toán theo giá bán lẻ điện bình quân hiện hành là 1.864 đồng/kWh (chưa được xem xét điều chỉnh sau 4 năm), thì chỉ có thủy điện mang lại lợi nhuận cho EVN nhưng sản lượng thủy điện chỉ chiếm tỷ trọng 33%.

Các nguồn điện còn lại (nhiệt điệt than, tua bin khí, nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo) giá thành cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và chiếm tỉ trọng khoảng 67% về sản lượng, điều này làm lỗ cho EVN. Theo đó, EVN dự kiến tiếp tục lỗ thêm 71.620 tỉ đồng, đưa tổng lỗ giai đoạn 2022 - 2023 lên 99.305 tỉ đồng, việc lỗ này sẽ làm mất 44,8% vốn nhà nước tại EVN.

Dự báo đến tháng 6 EVN sẽ cạn tiền để duy trì hoạt động

EVN khẳng định, với các khoản lỗ hiện nay, tập đoàn này đang gặp khó khăn trong việc không cân đối dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.

Theo tính toán của EVN, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh thì dự kiến tháng 6, công ty mẹ EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỉ đồng và đến tháng 12 thiếu hụt 27.779 tỉ đồng.

Trước tình hình này, EVN đã có báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân từ tháng 3 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3.2 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 trực tuyến với địa phương.

EVN cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để các tổ chức tín dụng cho vay lại đối với EVN, hỗ trợ EVN cân đối dòng tiền trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và cân đối đủ vốn cho công tác đầu tư xây dựng các công trình nguồn, lưới điện trọng điểm, đảm bảo an ninh cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Theo EVN, với tình hình tài chính hiện nay, dự kiến đến tháng 6 tới, tập đoàn này sẽ không có tiền hoạt động.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.