Những ngày vừa qua, Công an TP.HCM thông tin, lực lượng trực chốt kiểm soát Covid-19 thông qua phần mềm kiểm tra khai báo di biến động dân cư đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường.
Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, qua phối hợp xác minh với một số ban ngành, trong 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường, 10 người có giấy đi đường, còn lại là miễn hoặc không có giấy đi đường thuộc các diện như tài xế Grab, người đi xét nghiệm, di chuyển đến khu cách ly tập trung.
Đồng thời, trong 30 người này, có 8 người đang cách ly tập trung, 2 người đã khỏi bệnh, 1 người chưa xác minh được và còn lại được đưa về cách ly tại nhà.
Phạt tiền F0 cao nhất 10 triệu đồng
Như vậy, nếu xác minh được trong 30 F0 di chuyển trên đường trên, nếu có trường hợp là F0 đang thuộc diện theo dõi, điều trị tại nhà, nhưng vẫn ra đường thì phải xử lý như thế nào?
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định của Bộ Y tế, F0 khi cách ly tại nhà phải đủ điều kiện về nơi ở, khả năng chăm sóc bản thân… Đồng thời, trong thời gian điều trị tại nhà, tuyệt đối không ra khỏi phòng, nơi ở để đảm bảo phòng chống dịch, không lây lan dịch bệnh.
Vì vậy, trường hợp F0 vẫn cố tình ra ngoài, gây hoang mang cho người dân, thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng về hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” theo điều 14 Nghị định 117/2020.
“Hành vi F0 ra ngoài làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác, thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” quy định tại điều 240 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người vi phạm có thể bị xử phạt hình phạt tù cao nhất đến 12 năm tù”, luật sư Tuấn nêu.
Địa phương lơ là quản lý F0, xử lý nghiêm
Đối với việc quản lý F0 cách ly tại nhà, tháng 8.2021, UBND TP.HCM ban hành Công văn số 2732, chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức và 21 quận, huyện phải sử dụng “hệ thống quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”, “hệ thống khai báo y tế điện tử” của TP để theo dõi, cập nhật dữ liệu các trường hợp F0 cách ly tại nhà trên địa bàn, bao gồm cả F0 được chuyển từ các bệnh viện và F0 được cách ly tại nhà.
Vì vậy, nếu chính quyền địa phương lơ là trong phòng chống dịch, theo luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM), tùy mức độ cán bộ, công chức sẽ bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức hoặc buộc thôi việc.
“Nếu cán bộ, công chức địa phương thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao trong công tác kiểm tra, giám sát F0. Dẫn đến tạo nguồn cơn lây lan dịch bệnh, khó kiểm soát, gây hậu quả nghiêm trọng theo luật định, thì cán bộ, công chức liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Bình luận (0)