Khó khăn phòng dịch khi tổ chức bán trú
Ông Phạm Văn Gắt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trân (H.Bình Chánh, TP.HCM), cho biết trường có hơn 1.000 học sinh và thực hiện tổ chức bán trú từ những tuần đầu đón học sinh đi học lại.
Mặc dù sĩ số học sinh mỗi lớp không cao, chỉ 30 - 35 em/lớp nhưng ông Gắt cho biết hầu như ngày nào trường cũng ghi nhận các ca nhiễm và có dấu hiệu tăng. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường đã điều chỉnh lại hoạt động tổ chức bán trú.
Cũng theo ông Gắt, hàng ngày trẻ đều đeo khẩu trang, ra chơi ở những khu vực nhất định nhưng khó khăn thực hiện phòng bệnh khi cho học sinh ăn uống. "Nếu trước đây các em ăn theo nhóm ở phòng ăn tập thể của trường thì bây giờ trường phải tổ chức giãn cách, tách thành nhóm ngồi ăn dọc hành lang của các lớp ở những khu vực riêng", ông Gắt chia sẻ.
Học sinh ăn trưa ngay tại lớp học, hành lang thay vì tập trung xuống nhà ăn là cách nhiều trường đang thực hiện |
NGUYỄN LOAN |
Ngoài ra, khi ngủ nếu đeo khẩu trang học sinh dễ bị khó thở nên trường không bắt buộc, chỉ khuyến khích đối với lứa học sinh lớp lớn. Học sinh nằm giãn cách và quay đầu với nhau, trong khoảng thời gian này giáo viên cũng sẽ quản lý việc học sinh tiếp xúc hay nói chuyện với nhau.
“Chúng tôi đang cố gắng thực hiện tốt nhất có thể, vì nhu cầu bán trú của phụ huynh rất cao nhưng nếu đã thực hiện mọi cách mà vẫn không kiềm chế được các ca nhiễm, phát sinh nhiều ca F0 trong trường học có thể chúng tôi phải tính toán đến phương án khác. Trường vẫn phải đặt vấn đề phòng bệnh ưu tiên hàng đầu, làm sao để duy trì được việc học trực tiếp ổn định cho học sinh là trên hết”, ông Gắt chia sẻ.
Phương án khác mà ông Gắt nhắc đến đó là có thể phải chuyển học sinh sang học một buổi ở trường, buổi còn lại giáo viên sẽ dạy trực tuyến và dừng tổ chức bán trú. Tuy nhiên, theo ông đây chỉ là phương án cuối cùng vì đánh giá thực tế nếu học sinh được học trực tiếp 2 buổi ở trường vẫn cho hiệu quả tốt hơn.
Tương tự, nhiều trường khác cũng cho biết đang phải tính toán lại phương án tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học. Làm sao vừa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, phụ huynh lại hạn chế được sự gia tăng F0 trong trường. Nhiều trường khác đến nay vẫn chưa dám tổ chức bán trú mà chỉ cho học sinh học 2 buổi/ngày.
Bản tin Covid-19 ngày 12.3: Cả nước thêm 454.212 ca | Hà Nội vượt TP.HCM về tổng số ca nhiễm |
Nếu không đáp ứng yêu cầu, trường học phải dừng tổ chức bán trú
Trước đó, theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy số ca mắc và nghi mắc Covid-19 tăng nhanh trong trường học, đặc biệt là ở bậc tiểu học với hơn 17.400 ca trong vòng chưa đầy một tháng. Ngoài lý do đây là bậc học có số lượng học sinh đông nhất (gần gấp đôi so với các bậc học khác) thì chưa tiêm vắc xin, tổ chức bán trú, học sinh nhỏ tuổi… là những lý do khiến cho tình trạng F0 tăng nhanh trong bậc tiểu học.
Việc tổ chức bán trú đang là khó khăn lớn với các trường tiểu học trong vấn đề đảm bảo các quy tắc phòng dịch |
NGUYỄN LOAN |
Để giải quyết tình trạng này và quán triệt tốt hơn nữa việc tổ chức bán trú, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở đã cùng Sở Y tế xây dựng, bổ sung lại bộ tiêu chí an toàn trong trường học và trình UBND TP.HCM duyệt.
Tuy nhiên, riêng với hoạt động tổ chức bán trú, ông Dũng cho biết đã yêu cầu các trường phải điều chỉnh ngay, chỗ nào chưa hợp lý, chưa an toàn thì các trường phải tự thay đổi phương án. Ông cho biết, việc này phải làm gấp khi biến chủng Omicron khiến cho tốc độ lây lan Covid-19 trong trường học rất nhanh.
Cụ thể, các cơ sở phải tăng cường hơn nữa công tác theo dõi sức khỏe học sinh, thực hiện nghiêm việc giãn cách ngay cả trong giờ ăn và ngủ, đảm bảo không gian học hành, ngủ nghỉ thông thoáng…
“Chúng tôi đang hoàn chỉnh bộ tiêu chí an toàn trong trường học phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay và nếu được ban hành sớm, các trường học sẽ có cơ sở để áp dụng. Bộ tiêu chí này cũng dựa trên những tiêu chí như trước đây nhưng có những quy định chi tiết, rõ ràng hơn”, ông Dũng nói.
TP.HCM phát hiện hơn 17.000 ca Covid-19 ở trường học trong gần 1 tháng |
Yếu tố thông thoáng phòng học, khu vực sinh hoạt của học sinh cũng được đặt lên hàng đầu trong bộ tiêu chí này để hạn chế tình trạng lạm dụng máy lạnh ở nhiều trường. Hạn chế sử dụng máy lạnh khi không cần thiết, nếu sử dụng thì phải có những phương án đảm bảo thông khí cần thiết… Đây là một trong những tiêu chí mới, cụ thể hơn.
Cũng trong bộ quy tắc này, ông Dũng cho biết có những tiêu chí an toàn các trường buộc phải chấp hành. Trong tình hình hiện nay, khi học sinh tiểu học chưa tiêm vắc xin, lứa tuổi nhỏ… nếu không thực hiện được những tiêu chí cần thiết thì các trường phải tạm dừng tổ chức bán trú.
“Tổ chức bán trú là hoạt động cần thiết, nhu cầu thiết đáng của phụ huynh nhưng với tình hình hiện nay chúng ta phải đưa yếu tố đảm bảo an toàn cho học sinh lên hàng đầu. Nếu không có bán trú nhiều phụ huynh sẽ rất khó khăn trong việc đưa đón, nhưng nếu trường không đáp ứng được những tiêu chí cần thiết thì buộc phải điều chỉnh, đảm bảo an toàn đã rồi mới tính đến những hoạt động khác”, ông Dũng lý giải thêm.
Bình luận (0)