F0 trong trường tăng, làm sao đảm bảo chất lượng dạy học?

28/02/2022 06:07 GMT+7

Giáo dục nước ta trong giai đoạn đổi mới của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, lại thêm dịch bệnh kéo dài làm nảy sinh nhiều khó khăn chưa từng có.

Làm thế nào vừa nâng cao chất lượng nhưng vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh (HS), giáo viên (GV) là vấn đề hàng đầu hiện nay.

Kiến tạo xã hội góp phần hình thành kiến thức người học

Dịch bệnh Covid-19 đã bước sang năm thứ ba trên khắp cả nước, nhiều địa phương phải dừng đến trường kéo dài, chuyển sang học trực tuyến. Mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng thực tế chất lượng dạy học trực tuyến không thể hiệu quả như dạy học trực tiếp. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý và GV, nếu HS có điều kiện và tích cực thì hiệu quả học tập đạt 70% so với học tập trực tiếp.

Một lớp học giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến vì số học sinh F0, F1 không thể đến trường

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chất lượng dạy học trực tuyến giảm không chỉ do những vấn đề thuộc về kỹ thuật như đường truyền yếu, thiếu thiết bị, phần mềm khiếm khuyết, GV còn lúng túng và HS chưa sẵn sàng... mà còn do vấn đề thuộc về học tập như: học tập tương tác, học tập hợp tác, học tập trải nghiệm... cũng bị hạn chế rất nhiều.

Edgar Dale, nhà giáo dục người Mỹ, cho rằng: đọc - nhớ 10%, nghe - nhớ 20%, thấy - nhớ 30%, nghe và thấy - nhớ 50%, nói và viết - nhớ 70%, tự thực hiện nhiệm vụ - nhớ 90%. Như vậy, để khám phá và lĩnh hội kiến thức, tốt nhất là người học tự trải nghiệm, thực hành nhiệm vụ của mình. Người học không chiếm lĩnh kiến thức một cách biệt lập mà thông qua môi trường xã hội cùng với các yếu tố về văn hóa, kinh tế, xã hội khác nhau.

Theo lý thuyết kiến tạo xã hội, học tập là quá trình người học tương tác, hoạt động với môi trường xã hội để chuyển hóa cái của xã hội thành cái của mình, tức là kiến tạo kiến thức, kỹ năng, thái độ bằng cách thực hiện các hoạt động học tập một mình, hoặc có sự hỗ trợ, cộng tác của đối tượng khác trong bối cảnh xã hội thông qua tương tác, hợp tác, thực tập, trải nghiệm.

Do đó, khi dạy và học trực tuyến, việc áp dụng các tiếp cận kiến tạo xã hội, trải nghiệm, thực hành, thí nghiệm là vô cùng khó khăn dẫn đến chất lượng dạy học bị ảnh hưởng. Đến trường học trực tiếp trong bối cảnh dịch bệnh được xem là “cơ hội vàng” để nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài được học trực tiếp trên lớp, HS có cơ hội tiếp nhận và khám phá kiến thức thông qua tương tác với thầy cô, bạn bè…

Học sinh đến trường trong bối cảnh dịch vẫn còn phức tạp nên phải tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch

ngọc dương

Học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19 tăng sau tết

Tuy nhiên, trong bối cảnh sau tết, số ca nhiễm cả nước tăng cao và theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đợt bùng phát dịch thứ tư (từ 27.4.2021 đến nay), toàn ngành ghi nhận hàng trăm ngàn cán bộ, nhân viên, GV, HS, sinh viên nhiễm Covid-19. Nhiều địa phương có tỷ lệ GV, HS nhiễm tăng mạnh như Hải Phòng, Hà Tĩnh... nên nhiều trường phải chuyển sang dạy học kết hợp hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hà Nội phải hoãn đến trường đối với HS từ lớp 1 - 6 các quận nội thành vào tháng 3 thay vì tháng 2 như các địa phương khác.

Nguy cơ nhiễm Covid-19 là rất lớn vì nhiều HS chưa được tiêm vắc xin, nhất là trẻ dưới 11 tuổi, đồng thời việc quy định phòng chống dịch, cách ly, xét nghiệm đối với trường học ở các địa phương khác nhau, gây ra nhiều khó khăn cho các cơ sở giáo dục.

Covid-19 sáng 28.2: Cả nước 3.321.005 ca | Dịch bệnh ở Hà Nội vẫn chưa hết nóng bỏng

Giải pháp đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng

Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho HS, GV và nâng cao chất lượng giáo dục, ngành giáo dục phối hợp ngành y tế có hướng dẫn thống nhất về phòng chống dịch bệnh trong bối cảnh hoạt động kinh tế, xã hội dần mở cửa theo trạng thái bình thường mới, quy định về cách ly của GV, HS khi là F0 và F1 để việc dạy và học thuận lợi nhất. Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi ngay khi có thể.

Tiếp đến, các nhà trường thực hiện phòng chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế và sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu trường ở vùng dịch cấp độ 3, 4, hoặc khi xuất hiện nhiều ca nhiễm đối với HS, GV của trường. Thực tế cho thấy, nhiều trường đã có đường truyền internet và máy tính để GV có thể đến trường dạy trực tiếp và chuyển qua dạy học trực tuyến ngay trong trường.

Nhà trường, GV, HS và phụ huynh nhận thức rằng, dạy học trực tuyến là một kênh dạy học chính thức, lâu dài, là xu hướng ngày càng phổ biến của thế giới trong thời đại công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho người học có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi chương trình đào tạo theo nhu cầu cá nhân. Dạy học trực tuyến còn tạo điều kiện để triển khai các mô hình dạy học mới như lớp học đảo ngược, mô hình dạy học kết hợp (vừa trực tiếp, vừa trực tuyến) cho thấy chất lượng giáo dục được nâng cao.

Việc quản lý dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá thực sự linh hoạt và ngay trong thời gian này, Bộ GD-ĐT xây dựng nhiều kịch bản, phương án kết thúc năm học và thi tốt nghiệp THPT năm 2022 để các địa phương, trường học chủ động ứng phó trong tình hình gia tăng của dịch bệnh.

Học sinh lớp 1 - lớp 6 ngoại thành Hà Nội dừng đến trường

Chiều tối qua, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản hỏa tốc gửi Sở GD-ĐT, Sở Y tế và UBND các quận, huyện về việc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị xã chuyển trạng thái từ học trực tiếp sang học trực tuyến để phòng chống dịch Covid-19 từ ngày 28.2 đến khi có thông báo mới.

Văn bản nêu: UBND TP thống nhất với đề xuất của Sở GD-ĐT và do tình hình dịch trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như trong các cơ sở giáo dục có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, học sinh trong độ tuổi từ 5 - 11 tuổi chưa được tiêm vắc xin dẫn đến việc cha mẹ học sinh băn khoăn, lo lắng khi con đến trường.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.