Là người con của vùng biển nên từ nhỏ, Châu Văn Thành (33 tuổi, ở thôn Quý Thạnh, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý) đã có ước mơ khám phá sự mênh mông của đại dương và theo đuổi môn săn bắt dưới nước.
Anh Thành lặn bắt cá thỏa sự yêu thích cũng phần nào tạo thêm nguồn thu nhập |
NVCC |
Thời tiết đẹp là đi lặn
Những lúc rảnh rỗi, hết công việc trên bờ anh tìm đến biển cả. Văn Thành chia sẻ: “Nghề chính của mình làm nhôm kính, lặn bắt cá (spearfishing) chỉ vì yêu thích cũng phần nào tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế”.
Ban đầu vì kinh tế eo hẹp, không đủ điều kiện để mua sắm đồ nên anh Thành không thể lặn sâu, chỉ lặn được khu vực gần bờ nước cạn.
“Dụng cụ lặn tiên tiến gồm rất nhiều thứ như đồ nhái, chân nhái, mắt kính lặn, ống thở, dao lặn… những thứ đó rất mắc, khả năng mình không cho phép mua cùng một lúc. Nhưng vì mê quá nên mỗi ngày, mỗi tháng mình dành dụm một ít mua từng thứ một, cuối cùng cũng đã có đủ”, chàng trai 9X bộc bạch.
Các loại hải sản anh Thành bắt được rất đa dạng như mực ống, mực nang, bạch tuộc, cá dìa, cá gáy, tôm hùm, cá bớp... nhằm để phục vụ nhu cầu ăn uống của mọi người và cũng vì thích hòa mình vào đại dương.
Bơi lặn đã ngấm vào máu thịt anh, cứ thấy biển thời tiết đẹp mà không đi săn bắt là lại bồn chồn không chịu được. “Có lần, trong lúc lặn gặp cá mặt quỷ bị nó đâm vào chân, nguyên cái chân sưng phù như chân voi, phải uống thuốc giảm đau ba ngày mới hết, cũng may mắn là không ảnh hưởng nhiều vì nọc độc của cá mặt quỷ có thể gây tử vong”, anh Thành kể lại.
Hình ảnh dưới đại dương được anh Thành chụp lại |
NVCC |
Chàng trai muốn chinh phục đại dương cho hay: “Nhiều lúc lặn thấy rùa biển xanh con to lắm, chắc phải hơn một tạ. Có lúc gặp cả hai con đang lượn lờ giữa nước nhìn rất mê. Lặn càng sâu thì mới biết được dưới nước không như trong phim vì rác thải dưới đáy biển rất nhiều”.
Theo anh Thành, săn bắt cá dưới nước là một bộ môn thể thao có tính rèn luyện thân thể rất cao. Chơi bộ môn này giúp cơ thể dẻo dai, tốt cho tim mạch và hô hấp nhưng phải cân nhắc kỹ khi tham gia, đảm bảo sức khỏe thật tốt để lặn. Nếu cảm thấy không khỏe không nên đi lặn, năm nào cũng có vài trường hợp không may, mà nguyên nhân là do lặn nước sâu và ráng quá nên không đủ hơi để lên mặt nước.
Anh Thành vui vẻ đón nhận thành quả |
NVCC |
Những mối nguy hiểm
Còn đối với anh Từ Công Minh Trí (37 tuổi, ở Cam Ranh, Khánh Hòa) săn bắt cá là một sở thích, là một môn thể thao giải trí, khám phá hệ động vật và hệ thực vật biển, đồng thời là một cách bổ sung thực phẩm cho gia đình.
Hơn 10 năm kinh nghiệm chinh chiến, Minh Trí chia sẻ: “Chơi môn này cần sự tỉnh táo không được rối trí còn không bạn phải đánh đổi cái giá khá cao. Rối trí trong những tình huống nguy hiểm lúc lặn sẽ làm tăng nguy cơ thiếu oxy rất cao. Cần có ý chí và sự tỉnh táo để xử lý tình huống không mong muốn. Người lặn phải luôn mang con dao lặn bên người nếu dính dây, kẹt hang thì nó là cứu tinh cho những tình huống xấu”.
Những con cá lớn là lựa chọn hàng đầu của anh Trí |
NVCC |
Lặn bắt cá rất nguy hiểm và mệt mỏi, đòi hỏi phải có kỹ năng và tình trạng sức khỏe tốt. “Tôi là nhân chứng sống chứng kiến rất nhiều việc không hay xảy ra trong lúc lặn, mà trường hợp nhiều nhất là do thiếu oxy não. Có lần tôi cũng bị nhưng may tôi còn đủ sức trẻ để qua khỏi trong lúc mất ý thức, còn có những bạn khác thì không qua khỏi đã nằm lại dưới biển. Có lần, anh bạn tôi gặp phải cá nhồng phản kháng nó cắn đứt gân tay phải chữa trị gần một năm”, anh Trí nghẹn ngào kể lại những khoảnh khắc đó.
Anh Trí nêu quan điểm: “Tôi chủ yếu chơi vì yêu thích nên cách săn bắt của tôi khoa học, không đánh bắt bừa bãi vô tội những con cá chưa trưởng thành".
Tuy nhiên, theo anh Trí, nhiều người họ khai thác vô tội vạ và đây là vấn đề ý thức nên không thể thay đổi trong vòng một năm hay hai năm, mà cần phải tuyên truyền nhiều để ngư dân hiểu rõ.
Bình luận (0)