Sáng nay 15.12, lễ sơ kết dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” đã diễn ra qua hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tâm lý, tâm thần. Buổi lễ đã sơ kết những kết quả đạt được sau 5 tháng triển khai dự án cũng như chuẩn bị cho những mục tiêu, định hướng phát triển các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần khác cho người dân trong năm 2022.
Nhiều người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đại dịch, tìm đến các chuyên gia, bác sĩ tâm lý |
L.M.C |
TS. Lê Minh Công (Chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng, Phó trưởng khoa Công tác xã hội, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) là người đã sáng lập và chịu trách nhiệm chuyên môn cho dự án: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” hồi giữa tháng 7.2021.
Theo TS. Công, từ ngày 15.7 đến hết ngày 30.11, chương trình đã khám, điều trị, tham vấn và trị liệu tâm lý theo hình thức từ xa cho 901 trường hợp, mỗi trường hợp được hỗ trợ điều trị can thiệp từ 3 - 12 buổi. Theo đó, các vấn đề sức khỏe tâm thần của thân chủ/ bệnh nhân trong đợt dịch vừa qua mà chương trình tư vấn chủ yếu là stress/khủng hoảng, các rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, các rối loạn dạng cơ thể hóa, tâm thần phân liệt, vấn đề hôn nhân, nuôi dạy con cái…
Covid-19 sáng 15.12: Cả nước 1.443.648 ca nhiễm | Có thể chặn Omicron bằng 3 mũi vắc xin? |
Đại diện chương trình cũng cho biết thời gian qua, nhân sự tham gia dự án gần 50 người, trong đó có 7 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, 20 nhà tâm lý lâm sàng và tư vấn tâm lý, 5 chuyên viên giáo dục đặc biệt và âm ngữ trị liệu cũng như các tình nguyện viên. Thân chủ/bệnh nhân tìm đến các chuyên gia đa dạng ở nhiều lứa tuổi khác nhau (4,78% là người dưới 18 tuổi, 95,22% là người từ 18 - 55 tuổi), đa dạng các ngành nghề (học sinh - sinh viên, bộ đội, công an, công nhân, nhân viên văn phòng, công chức, kinh doanh, lao động tự do, bác sĩ, điều dưỡng…) và ở nhiều tỉnh thành khác nhau như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Bà Rịa - Vũng Tàu…
TS. Lê Minh Công là người đã sáng lập và chịu trách nhiệm chuyên môn cho dự án: “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch” hồi giữa tháng 7.2021, tư vấn, điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho gần 1.000 bệnh nhân/thân chủ |
l.m.c |
“Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề về sức khỏe tâm thần của người dân tăng lên nhiều trong khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chuyên gia như vấn đề tài chính, khoảng cách địa lý, ngại gặp trực tiếp. Đó cũng là lý do để chúng tôi lập nên dự án này, tư vấn thông qua hình thức trực tuyến”, ông Công cho hay.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục đánh giá cao về mục đích, mô hình dịch vụ và những thành quả mà chương trình đã đạt được trong những tháng qua. “Bên cạnh việc tư vấn, điều trị cho gần 1.000 bệnh nhân/thân chủ, tôi còn được biết dự án tổ chức 5 chương trình tập huấn về sức khỏe tâm thần, 7 hội thảo trực tuyến với sự tham gia của hàng nghìn người. Đây là thành tích mà không phải dự án nào cũng đạt được”, ông Phú nhận định.
Năm 2022, “Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần” dự kiến được thành lập nhằm chăm sóc sức khỏe tinh thần/tâm thần cho người dân hoàn toàn miễn phí thông qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp |
L.M.C |
TS. Lê Minh Công cũng cho biết từ ngày 1.1.2022, giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được triển khai với việc mở ra “Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tinh thần” chăm sóc sức khỏe tinh thần/tâm thần cho người dân hoàn toàn miễn phí thông qua hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Dự án sẽ kéo dài đến hết 30.12.2022 với những dịch vụ điều trị và tham vấn, dự kiến can thiệp tâm lý cho hơn 2.000 lượt người.
“Mong rằng dự án nhận được sự quan tâm của nhiều tổ chức, đơn vị để có thể chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe tinh thần người dân Việt Nam trong và hậu đại dịch Covid-19”, ông hy vọng.
Bình luận (0)