Gần 13.000 vụ lừa đảo trực tuyến bị phát giác năm 2022

10/01/2023 11:51 GMT+7

Trong năm 2022, thống kê chính thức từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đơn vị đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước. Dù có nhiều cách thức triển khai khác nhau, hoạt động của kẻ gian có thể được phân thành 2 loại hình lừa đảo chính theo mục đích là đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính (chiếm 75,6%).

Người dùng nên cảnh giác với các thông tin hấp dẫn trên mạng internet

chụp màn hình

Trong đó, các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6% số vụ bị phát hiện thuộc dạng này. Lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.

Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính gồm: Giả mạo thương hiệu (chiếm 72,6%); Chiếm đoạt tài khoản trực tuyến (11,4%) và Các hình thức khác như dụ dỗ làm việc online, lừa đảo tình cảm, ứng dụng cho vay tín dụng đen (chiếm 16%).

Mạo danh thương hiệu cũng là vấn nạn nhức nhối trong thời gian gần đây khi kẻ gian liên tục thay đổi chiến lược tấn công, tạo tin nhắn định danh (SMS Brandname) giả những doanh nghiệp, tổ chức lớn, trong đó có cả ngân hàng. Các đối tượng cũng thiết lập website phục vụ mục đích lừa đảo có giao diện giống hệt hoặc dễ gây nhầm lẫn với trang chính thống của doanh nghiệp, cơ quan quản lý...

Ngoài mục đích nhằm chiếm đoạt thông tin, tài sản của nạn nhân, điểm chung của các chiến dịch lừa đảo đều nhắm vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu tiếp cận thông tin, lòng tham. Trong đó, những kẻ đứng sau các vụ lừa đảo đã nắm bắt được tâm lý cần việc làm, muốn tăng thu nhập của "con mồi" với lời mời chào hấp dẫn về việc nhẹ, lương cao.

Cũng theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022 các cấp cơ quan quản lý đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng internet Việt Nam) trước các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Bộ cũng phát triển và triển khai các trang thông tin, cổng tố giác tin nhắn rác, lừa đảo (địa chỉ https://chongthurac.vn), trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, bộ công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến và các kỹ năng phòng chống lừa đảo cần thiết (địa chỉ https://congcu.khonggianmang.vn). Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng đưa ra một danh sách đen (Blacklist) các trang vi phạm, tài khoản ngân hàng lừa đảo qua Cổng thông tin của hệ sinh thái tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn).

Trong năm 2022, có 3.252 website chính thống được đơn vị quản lý kiểm tra, gắn nhãn tín nhiệm. Đây là cơ sở để người dân có thể biết được những địa chỉ uy tín trong quá trình truy cập, tìm kiếm thông tin và giao dịch trên mạng internet, tự mình cảnh giác và phòng tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.