Gần 200 nước đạt thỏa thuận chống biến đổi khí hậu

Khánh An
Khánh An
14/11/2021 07:58 GMT+7

Hội nghị Liên Hiệp Quốc đạt thỏa thuận với nhiều điều khoản quan trọng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu.

Thỏa thuận cho phép các nước có thể đạt một số mục tiêu về khí hậu bằng cách mua bán phát thải carbon

afp

Hãng Reuters ngày 14.11 đưa tin các bên đàm phán đã đạt thỏa thuận tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh), sau khi hội nghị kéo dài thêm 1 ngày.

Thỏa thuận đặt ra quy tắc về phát thải carbon, mở đường cho việc chi hàng ngàn tỉ USD để bảo vệ rừng, xây dựng các cơ sở năng lượng tái tạo và các dự án khác nhằm đối phó biến đổi khí hậu.

Bản thỏa thuận sau cùng được thông qua bởi gần 200 nước sẽ áp dụng điều khoản thứ 6 trong Thỏa thuận Paris năm 2015, cho phép các nước đạt một số mục tiêu về khí hậu bằng cách mua bán phát thải carbon.

Bộ Môi trường Brazil cho rằng thỏa thuận là một chiến thắng cho nước này vì Brazil đang tăng tốc để trở thành “nước xuất khẩu lớn” về hạn mức phát thải carbon. Brazil sở hữu phần lớn rừng Amazon và có tiềm năng lớn về điện gió và điện mặt trời.

1,5 độ C và 2 độ C tạo khác biệt thế nào với biến đổi khí hậu?

Tại hội nghị, tất cả 197 nước tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow.

Hiệp ước khẳng định lại mục tiêu kiểm soát mức gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 20C so với thời tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,50C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hiệp ước kêu gọi giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả, các quốc gia đến cuối năm 2022 phải xem xét lại và củng cố các mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030.

Hiệp ước kêu gọi các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.

Trước đó, các nước tham dự hội nghị đã đạt nhiều cam kết quan trọng, trong đó có việc hơn 100 nước cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan.

Bất chấp cam kết khí hậu, nạn phá rừng tại Amazon vẫn tăng hơn 20%

Ngoài ra, 40 quốc gia cam kết loại bỏ điện than và một liên minh mới được thành lập và đặt thời hạn ngừng sử dụng dầu mỏ, khí đốt và ngừng cấp giấy phép thăm dò mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.