Gần 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM làm việc

Thu Hằng
Thu Hằng
03/11/2021 16:52 GMT+7

Hiện, TP.HCM có khoảng 1.300 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN - KCX) thông báo phục hồi sản xuất. Số công nhân đang về quê tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung khoảng gần 4.800 người.

Đây là thông tin được đại diện Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM cho biết ngày 3.10, tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ LĐ-TB-XH với các địa phương trọng điểm trong triển khai thực hiện các nghị quyết về hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và giải pháp phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Người lao động trở lại TP.HCM làm việc sau dịch Covid-19

TRẦN KHA

Theo Ban Quản lý KCN - KCX TP.HCM, tính tới ngày 30.10, có khoảng 1.300/1.400 doanh nghiệp tại các KCN - KCX thông báo phục hồi sản xuất với số lao động đăng ký làm việc là 216.000 người (đạt 75% so trước dịch Covid-19). Do phải thích ứng với bộ tiêu chí sản xuất an toàn nên các doanh nghiệp chưa thể trở lại sản xuất 100%, mà chỉ đạt mức 50 - 70%.

Về tình hình thiếu hụt lao động, đại diện Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM cho hay, số công nhân lao động về quê chiếm tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 11%. Sau thời gian giãn cách, mở cửa, hầu hết lao động các tỉnh lân cận đã quay trở lại làm việc. Số lao động về quê ở miền Bắc khoảng 1.300 người, miền Trung là 3.500 người. Các doanh nghiệp đang tích cực kêu gọi, bố trí phương tiện đưa đón công nhân trở lại TP nhưng số đăng ký chưa nhiều.

Theo các doanh nghiệp, dự kiến cuối tháng 11, đầu tháng 12 về cơ bản tình hình lao động sẽ ổn định, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Gần 4.800 công nhân chưa quay lại TP.HCM làm việc

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung nhận định, TP.HCM thiếu lao động cục bộ sau dịch Covid-19 nhưng tình trạng không trầm trọng. Số lao động ngoại tỉnh về quê hầu hết rơi vào nhóm lao động tự do. Lực lượng lao động tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp trong KCN - KCX không biến động lớn.

Theo ông Dung, đối với lao động về quê chưa quay trở lại làm việc, các doanh nghiệp cần thường xuyên liên lạc, có chính sách hỗ trợ khi lao động quay trở lại. Còn với những lao động có nhu cầu ở lại địa phương, ông Dung đề nghị các tỉnh cần có chính sách chăm lo việc làm tại chỗ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Sở LĐ-TB-XH các địa phương nắm sát tình hình lao động, nhu cầu trong thời gian tới, từ đó đưa ra phân tích, dự báo thị trường lao động; đồng thời có các giải pháp, kiến nghị với Bộ LĐ-TB-XH và các bộ, ngành liên quan để xem xét, xử lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.