Giải pháp nào cho thiếu hụt lao động sau giãn cách và cuối năm?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/10/2021 09:00 GMT+7

Sau nhiều tháng giãn cách vì Covid-19 , tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc mới chỉ đáp ứng 60 - 70% nhu cầu của doanh nghiệp. Việc thiếu hụt lao động càng nghiêm trọng khi quý 4 nhu cầu nhân lực tăng lên.

Trường cao đẳng, trung cấp có thể cung cấp cho việc thiếu hụt lao động sau giãn cách

KHÁNH CƯỜNG

Nhu cầu tuyển lao động nhiều vào tháng 11, 12

Vấn đề các doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải hiện nay là thiếu lao động sau dịch Covid-19.

“Tính tới ngày 21.10, các doanh nghiệp điện tử phía nam mới thu hút được khoảng 60 - 70% lao động quay trở lại làm việc. Đơn cử như các phân xưởng của Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM dự định hoạt động 100% công suất trở lại trong tháng 11, nhưng với tình hình này vẫn gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân là tỷ lệ lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin chưa cao”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thông tin.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cũng cho hay tính đến ngày 22.10, có 91% doanh nghiệp của khu công nghiệp đã trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới nhưng chỉ có khoảng 70% lao động trở lại làm việc, khoảng 100.000 lao động còn ở các tỉnh.

Theo ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong đợt dịch vừa rồi TP.HCM có hơn 2 triệu người lao động bị ngừng việc, giảm việc làm và hiện lực lượng lao động tham gia vào sản xuất kinh doanh trên địa bàn chỉ còn 55%. Hiện có trên 60% doanh nghiệp bắt đầu khôi phục sản xuất kinh doanh và khảo sát nhanh đầu tháng 10 thì có hơn 100 doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 9.000 người lao động ở nhiều ngành nghề.

“Nhu cầu tuyển lao động sẽ tập trung nhiều vào thời điểm tháng 11 và 12, khi doanh nghiệp đã chuẩn bị tốt và đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch Covid-19. Dự kiến nhu cầu lao động trong quý 4/2021 của các doanh nghiệp là khoảng 57.000, trong đó lĩnh vực thương mại dịch vụ chiếm 78%, công nghiệp - xây dựng chiếm 21%. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển nhiều lao động là may mặc, da giày, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, sản xuất bao bì, giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ thương mại...”.

Trường nghề sẵn sàng hỗ trợ lao động

Bên cạnh việc đề xuất Chính phủ cần ban hành chính sách hút người lao động, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp còn cho rằng các trường nghề hoàn toàn có thể cung cấp nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp trong thời điểm này.

Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, cho biết Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng 2 phương án. Phương án 1 là đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp. Hiện nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoảng 500.000 học sinh, sinh viên có kiến thức cơ bản (năm 1, năm 2) và 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm 2 hoặc năm 3), có thể tham gia ngay được vào thị trường lao động nếu doanh nghiệp có nhu cầu. Riêng khu vực trọng điểm Đông Nam bộ có khoảng gần 200.000 học sinh, sinh viên sẵn sàng tham gia cùng doanh nghiệp để thực hiện sản xuất, 80.000 sinh viên các nhóm ngành nghề công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện, điện tử viễn thông, xây dựng... đang học năm cuối có nhu cầu thực tập tốt nghiệp, cũng có thể trở thành lao động của doanh nghiệp. Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, học sinh, sinh viên sẽ vừa học vừa làm tại doanh nghiệp để vừa đảm bảo nâng cao tay nghề vừa giúp doanh nghiệp có lao động hỗ trợ.

Ông Hùng cho rằng cả 2 phương án trên đều dễ dàng huy động học sinh, sinh viên và còn có thể tăng cường kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Đặng Minh Sự cũng nhìn nhận, để giúp doanh nghiệp khu vực TP.HCM có thêm lao động khôi phục lại sản xuất, rất cần tổ chức cung ứng nguồn lao động mang tính liên kết vùng thông qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm công lập, đồng thời tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến, trực tiếp.

TP.HCM cần khoảng hàng chục ngàn chỗ làm việc trong quý 4

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết dự báo nhu cầu nhân lực quý 4/2021, TP.HCM cần khoảng 43.654 - 56.869 chỗ làm việc. Ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, doanh nghiệp cũng có nhu cầu ở một lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong dịp tết.

Xu hướng tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: kinh doanh, thương mại cần khoảng 10.045 - 13.086 chỗ làm việc (chiếm 23,01%); dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ cần 5.033 - 6.557 (chiếm 11,53%), công nghệ thông tin cần 3.283 - 4.277; cơ khí, tự động hóa cần 2.213 - 2.883; vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng cần 2.078 - 2707; dịch vụ thông tin tư vấn, chăm sóc khách hàng cần 1.855 - 2.417; du lịch, nhà hàng, khách sạn cần 1.807 - 2.354; kỹ thuật điện, điện lạnh, điện công nghiệp, điện tử cần 1.689 - 2201…

Nhu cầu nhân lực lao động qua đào tạo chiếm 87,19% tổng nhu cầu, trong đó trình độ ĐH trở lên chiếm 21,07%, CĐ chiếm 19,81%, trung cấp chiếm 26,35%, sơ cấp chiếm 19,96%.

“Ngoài ra, kết nối doanh nghiệp với hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có sinh viên tốt nghiệp ra trường trong quý 4/ 2021 nhằm tuyển chọn, tiếp nhận bù đắp việc thiếu hụt nguồn lao động sau giãn cách, nguồn lao động theo nhu cầu, cũng là một giải pháp cần thiết trong thời điểm này”, ông Sự chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.