Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đã trình dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (lần thứ 11).
Với loại hình taxi công nghệ, dự thảo đưa ra 2 phương án: phương án 1 là phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12x30 cm. Phương án 2 không bắt buộc phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe để nhận biết, mà thay bằng dùng phần mềm và phù hiệu xe hoặc biển hiệu xe, tem nhận diện… dán trên kính xe, có kích thước đủ lớn và dễ nhận biết để quản lý.
Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án 1 là quy định chung cho tất cả các xe taxi, gồm taxi sử dụng đồng hồ tính tiền (gọi tắt là taxi truyền thống) và xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (gọi chung là taxi công nghệ).
“Bộ GTVT đã trình dự thảo và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quy định xe taxi công nghệ phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe. Lựa chọn phương án nào sẽ do Chính phủ quyết định”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Đáng chú ý, tại 3 lần dự thảo trước đó, Bộ GTVT cũng bảo lưu quan điểm xe taxi công nghệ phải gắn hộp đèn, tương tự như taxi truyền thống. Dù còn nhiều ý kiến tranh cãi cho rằng điều này sẽ làm cản trở loại hình hoạt động mới của taxi công nghệ, song lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, đơn vị vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, dù sử dụng phương pháp tính tiền theo đồng hồ hay phần mềm đều phải chịu điều kiện kinh doanh chung như nhau để đảm bảo sự công bằng, trong đó có việc gắn hộp đèn.
Xe ôm công nghệ có đồng phục, taxi sao không có nhận diện?
Theo GS - TS Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường đại học GTVT Hà Nội, phương tiện đã tham gia kinh doanh vận tải thì phải có nhận diện thương hiệu. “Xe ôm công nghệ như Grab, Be, Go-viet đều có nhận diện thương hiệu rất rõ là mũ bảo hiểm, đồng phục cho lái xe thì tại sao xe taxi công nghệ lại không phải nhận diện thương hiệu. Tù mù, không ai biết ai hay này là lỗ hổng rất lớn trong quy định quản lý hiện nay, khi xe cá nhân hay xe công cộng không phân biệt được”, GS - TS Sùa cho biết.
Trong khi theo ông Sùa, dịch vụ chở khách là loại hình dịch vụ rất đặc biệt, xe sử dụng ứng dụng công nghệ tại Việt Nam hiện nay đa số là xe mua để kinh doanh, rất ít xe nhàn rỗi. “Tranh cãi hiện nay là xe taxi công nghệ có phải gắn hộp đèn như taxi hay không? Không thể lấy lý do vì xấu hay nọ kia để không gắn hộp đèn, đừng lấy lý do công nghệ 4.0 mà bỏ đi những quy định cơ bản”, ông Sùa nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một số nước phân biệt giữa xe kinh doanh và không kinh doanh vận tải bằng màu sơn biển số đăng ký xe. Tuy nhiên, ở Việt Nam do chưa phân biệt được theo màu sơn của biển số đăng ký, thì phải có hình thức nhận diện phù hợp.
Ông Quyền cho rằng, về chi phí, việc lắp thêm hộp đèn có phát sinh thêm chi phí, tuy nhiên việc này cũng tạo thêm một kênh để giúp người vận tải kết nối với hành khách, là nhận diện để xe kinh doanh vận tải được vào những khu vực được ưu tiên. Về lâu dài có thể xem xét hình thức quản lý như các nước như theo màu sơn biển số xe.
Bình luận (0)