Gánh giá thực phẩm tăng chóng mặt, quán cơm từ thiện liêu xiêu tìm cách duy trì

04/07/2022 07:03 GMT+7

Trong cơn bão giá, số người tìm đến các quán cơm trợ giá, cơm từ thiện ngày càng đông. Giá nguyên liệu, thực phẩm tăng cao khiến các chủ quán cơm này ‘khóc ròng’, loay hoay tìm các duy trì hoạt động.

10 giờ sáng, trước “Trạm cơm nghĩa tình” ở số 175 đường Trần Bình Trọng, quận 5, TP.HCM có hàng chục người đang đứng xếp hàng. Hơn một năm qua, mỗi ngày tại đây đều bán cơm trợ giá và phát từ 600 - 1.000 phần cơm miễn phí cho người nghèo, người lao động, bệnh nhân và thân nhân.

Đứng trước cơn bão giá, khoảng hai tháng trở lại đây, quán đang tìm mọi cách để tiếp tục hoạt động ý nghĩa này.

Trạm cơm nghĩa tình đang tìm mọi cách để duy trì hoạt động

THÚY VY

"Như ngày hôm nay là 800 phần cơm. Trước đây, nguyện vọng của tôi làm là chỉ 10 ngàn đồng thôi, nhưng sau thời điểm vật giá leo thang xăng đắt, gas đắt, dầu nấu tăng gấp đôi lận, tất cả đều tăng hết. Cho nên chúng tôi phải buộc xin thêm 2 ngàn đồng nữa gọi là trợ giá. Nhưng mà sau này có như thế nào nữa chắc tôi cũng sẽ giữ giá này thôi, tôi không tăng nữa", chị Đỗ Thị Tưởng, chủ Trạm cơm nghĩa tình chia sẻ.

Chủ quán Trạm cơm nghĩa tình quả quyết sẽ không tăng giá dù gặp rất nhiều khó khăn

THÚY VY

Cùng gồng mình trước cơn sốt giá, quán chay Mãn Tự ở số 201, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP.HCM cũng đang lao đao khi kinh phí hoạt động ngày càng eo hẹp.

Chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ quán chay Mãn Tự cho biết, mỗi ngày quán phục vụ khoảng hơn 2.000 suất cơm, thứ bảy và chủ nhật là gần 3.000 suất. Đối tượng đến quán chủ yếu là học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp. Đây là quán chay mà khách có thể ghé ăn và trả tiền tùy tâm. Trong thời điểm vật giá leo thang, quán gặp nhiều khó khăn hơn khi có những nguyên vật liệu tăng giá gấp đôi, thậm chí gấp rưỡi.

Vật giá leo thang, để duy trì được hoạt động quán là một thử thách rất lớn

thúy vy

"Kinh phí hoạt động từ 5 năm nay hầu như là kinh phí cá nhân của tôi, cũng có sự đóng góp của mạnh thường quân nhưng không đủ. Trong thời điểm vật giá đang tăng như thế này, tôi gặp khó khăn nhiều hơn, kinh phí tăng có thể nói tăng lên gấp đôi, có những thứ gấp rưỡi. Kinh phí cao hơn thì khó khăn của tôi cũng cao hơn, nhưng do tôi nghĩ là kinh tế càng khó khăn nên tôi càng phải nỗ lực duy trì quán ăn này vì người lao động kinh tế họ cũng khó khăn. Khi vật giá tăng hơn quán đông hơn, mỗi ngày cỡ hơn 1.000 người", Chị Phượng chia sẻ.

Chị Đỗ Thị Tưởng thì luôn tâm niệm: "Tôi mong muốn tất cả mọi người đều chung tay cùng nhau giúp cho người nghèo vượt qua khó khăn này. Đó là mơ ước của tôi. Tôi cũng không nói được chuyện đó, nhưng ai cũng mong muốn vật giá sẽ bình ổn lại để cho người dân nghèo khổ khó khăn có được cơm no áo ấm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.