Lúa ngoài đồng cũng “sốt giá”
Những đồng lúa đông xuân sớm ở ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch. Ông Nguyễn Thành An, nông dân trồng lúa ở H.Thoại Sơn (tỉnh An Giang), phấn khởi chia sẻ: “Mấy năm nay tôi trung thành với giống lúa ST25. Hiện tại lúa được hơn 90 ngày tuổi rồi, chỉ khoảng 10 ngày nữa khi có nắng đẹp là thu hoạch được. Năm nay thời tiết thuận lợi, nước nôi đầy đủ nên nhẹ phân thuốc mà năng suất ước tính khá cao”.
Xuất khẩu thuận lợi, giá gạo nội địa đang ở mức cao |
Công Hân |
“Sáng 7.11 có thương lái đến xin đặt cọc với giá 8.100 đồng/kg nhưng tôi chưa đồng ý, tôi muốn chốt ở mức 8.200 đồng/kg. Hiện tại giá lúa ngoài đồng cũng đang sốt. Giống ST25 trước giờ giá cao nên tăng nhẹ hơn nhiều so với những giống khác. Còn so với vụ trước, giá lúa ST25 hiện tăng khoảng 500 - 700 đồng/kg.
Tăng mạnh nhất là lúa nếp và gạo giống Nhật, khoảng 2.000 đồng lên mức khoảng 8.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, các giống hạt dài như Đài thơm cũng tăng khoảng 1.000 đồng lên mức trên 7.000 đồng/kg. Vụ này, nông dân trồng lúa đa phần trúng mùa, được giá và có lời để sống với đồng ruộng”, ông An thông báo.
Tương tự, ông Võ Xuân ở H.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) cũng thừa nhận lúa gạo hiện nay đang “sốt giá”. So với giá bình quân của vụ hè thu, hiện nay giá đang cao hơn từ 1.200 - 1.300 đồng/kg, kéo theo hầu hết các giống lúa đều có giá trên 7.000 đồng, các giống lúa thơm chất lượng cao phải đến 8.000 đồng/kg.
Bà Đoàn Xuân Khánh Quyên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH lúa gạo VN (Vinarice), xác nhận: Nhờ gần đây xuất khẩu thuận lợi nên giá lúa gạo nội địa đặc biệt là khu vực ĐBSCL cũng liên tục tăng, có ngày tăng tới hai ba giá (200 - 300 đồng/kg). Bây giờ ở nhiều vùng, lúa mới khoảng 50 - 60 ngày tuổi đã có thương lái đến đặt vấn đề giá cả và đặt cọc. Còn giá gạo xuất khẩu, nếu so với mức giá đỉnh hồi tháng 10 thì nay tiếp tục tăng bình quân từ 10 - 20 USD/tấn.
Thực tế, từ đầu tháng 11 đến nay, bảng thông báo giá gạo nội địa của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) thường xuyên ở trạng thái “xanh” - tăng giá. Đến ngày 7.11, giá tất cả sản phẩm lúa gạo đều tăng từ 200 - 417 đồng/kg.
Thị trường EU tăng đột phá
Tỷ lệ thuận với niềm vui của bà con trồng lúa, Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam dự báo còn 2 tháng nữa là kết thúc năm và khả năng đạt sản lượng 6,5 triệu tấn là hoàn toàn có thể vì thị trường đang tốt. Vấn đề chỉ là sản lượng VN không có nhiều để xuất khẩu. Vụ thu đông ở ĐBSCL diện tích gieo trồng khoảng 700.000 ha nên sản lượng gối đầu qua năm sau ít.
Theo ông Nam, so với thời điểm trước khi Ấn Độ có chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì hiện giá gạo VN bình quân tăng 30 USD/tấn. Tình hình thế giới đang có lợi cho ngành lúa gạo VN. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở thêm các thị trường mới.
“Điểm sáng nổi bật nhất của ngành lúa gạo VN trong năm nay chính là việc chúng ta phát triển nhanh và mạnh những sản phẩm gạo chất lượng cao và gạo thơm vào các thị trường cao cấp với số lượng lớn. Cụ thể nhất là ở thị trường EU, theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai bên, họ chỉ cấp cho mình hạn ngạch miễn thuế là 80.000 tấn. Năm 2021, VN xuất vào EU được 60.000 tấn thì từ tháng 1 - 9.2022 chúng ta đã xuất vào EU tới 120.000 tấn”, ông Nam nói.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nhận định trong ngắn hạn xuất khẩu gạo của VN sẽ tiếp tục duy trì mức giá cao. Thứ nhất là do những bất ổn về kinh tế và chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu gây nên những hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nhiều.
Đặc biệt trong năm nay là tình hình khô hạn kỷ lục ở khắp nơi từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ, sau đó lại là lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan và Ấn Độ - hai nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Chính vì vậy, về dài hạn xuất khẩu gạo và nông sản của VN vẫn sẽ khả quan.
Riêng về gạo, trong ngắn hạn sẽ ổn định ở mức cao cho đến khi Ấn Độ có sự điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo của họ. Lý do, Ấn Độ là nước chiếm đến 40% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu lượng gạo kỷ lục 21,2 triệu tấn và giá rẻ hơn các đối thủ bình quân đến 30%. Việc hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 9.2022 (cấm xuất khẩu gạo tấm, đánh thuế 20% với gạo trắng) dự kiến sẽ làm sản lượng gạo nước này sụt giảm khoảng 1/4 trong năm 2022, đẩy giá gạo thế giới tăng vọt và đạt mức cao nhất trong vòng 1 thập niên qua.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, chỉ số giá gạo tháng 10 đã tăng 2,2% lên mức cao nhất trong 18 tháng. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh ước tính sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 từ mức 512 triệu tấn xuống còn 508 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Gạo VN cũng được hưởng lợi từ việc này.
Sản lượng gạo toàn cầu theo ước tính của USDA vẫn còn lạc quan, Reuters dẫn lời một số nhà kinh doanh lương thực hàng đầu toàn cầu dự báo mức giảm mạnh hơn xuống khoảng 500 triệu tấn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất cây trồng ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Cụ thể, sản lượng lúa vụ hè của Ấn Độ có thể giảm xuống còn 105 triệu tấn vào năm 2022 - 2023 tương đương mức giảm 6%. Sản lượng gạo ở Trung Quốc, nước tiêu thụ ngũ cốc lớn nhất, có thể giảm 2,9% so với một năm trước xuống còn 206 triệu tấn. Pakistan, một trong những nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, cũng không thể tận dụng các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vì hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng. USDA ước tính sản lượng gạo của Pakistan có thể giảm 18% xuống 7,4 triệu tấn.
Trong bối cảnh đó, Thái Lan và VN là hai nước có thời tiết và mùa vụ tương đối thuận lợi để có thể tận dụng tốt cơ hội thị trường hiện nay.
Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu gạo đạt trên 6 triệu tấn, với giá trị đạt gần 3 tỉ USD, tăng 17% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines vẫn là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của VN với gần 44% thị phần với sản lượng đạt gần 2,5 triệu tấn và 1,14 tỉ USD, tăng 35% về khối lượng và tăng 22% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. (Nguồn: Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn)
Bình luận (0)