Gặp gỡ mùa thu: Những lý do để phụ nữ làm phim

28/11/2022 08:27 GMT+7

Có thể nói, dù vô tình hay cố ý, tác phẩm đầu tay của các đạo diễn nữ thường là dòng phim “auteur”, đậm dấu ấn cá nhân. Vậy thì, câu chuyện đầu tiên họ kể ra đương nhiên phải là những câu chuyện gần gũi với họ nhất. Đạo diễn kiêm biên kịch Đài Loan Feng-I Fiona Roan thậm chí đã gọi tác phẩm đầu tay của mình là tự truyện.

Trong 10 năm Gặp gỡ mùa thu, đây là bàn tròn thứ hai của các nhà làm phim nữ. Riêng hai đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp và Uisenma Borchua (Đức) là hai nhà làm phim thế hệ 8X từng xuất hiện trong buổi Woman Film, Woman Live của Autumn Meeting 5 năm trước.

Hồi ấy Uisenma Borchua ra mắt tác phẩm đầu tay Dont look me that way, còn Nguyễn Hoàng Điệp thì đúng nghĩa đang “vỗ cánh” với Đập cánh giữa không trung. Năm nay, có thêm hai đạo diễn nữ khác là Kim Mi Jo (Hàn Quốc) và Feng-I Fiona Roan (Đài Loan) vừa hoàn thành xong phim dài đầu tay đến chung vui, trong đó phim của Feng-I Fiona Roan thắng giòn giã 5 giải Kim Mã năm rồi. Bốn người phụ nữ cùng ngồi lại và chia sẻ về những thách thức cũng như những điều tuyệt vời khi là một nhà làm phim. Thay vì kêu ca về những khó khăn trong việc phải dung hoà giữa giới tính và sự khốc liệt trong sáng tạo.

Các đạo diễn nữ từ trái sang phải: Uisenma Borchua, Nguyễn Hoàng Điệp, Phạm Hoàng Minh Thy, Kim Mi-jo, Feng-I Fiona Roan

btc

Mẹ là một giới tính

Một điều thú vị là, cả bốn đạo diễn với độ tuổi khác nhau đã làm ra bốn bộ phim với các nữ nhân vật chính có độ tuổi đa dạng trải dài cuộc đời một người phụ nữ. Bộ phim American Girl của Feng-I Fiona Roan về một cô bé 10 tuổi từ Mỹ trở về định cư ở Đài Loan trong biến cố dịch SARS. Bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp về cô gái tuổi thiếu niên gặp những gấp khúc của cuộc đời khi cô phát hiện mình có bầu. Phim Black Milk của đạo diễn Uisenma Borchua do chính cô đóng về người phụ nữ tầm 30 tuổi đi tìm lại nguồn gốc và danh tính của mình giữa hai nền văn hoá. Cuối cùng, bộ phim Gull của Kim Mi-jo về một người phụ nữ 60 tuổi bị lạm dụng tình dục trong khi bà vừa đương đầu với việc giữ lại quầy chợ cá của mình và giữ danh dự cho cả gia đình.

Nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp

nvcc

Khi được hỏi về cảm hứng để họ viết nên những nhân vật cụ thể trong phim, đạo diễn Kim Mi-jo đã trả lời, cô nhìn mẹ mình như một người mà cô ngưỡng mộ và yêu thương nhất, bảo vệ cô nhiều nhất cũng như cô muốn bảo vệ bà nhất. Điều này khiến Mi-jo nghĩ rằng, ngoài giới tính nam, giới tính nữ và các giới tính khác với những đặc thù được định nghĩa sẵn, cô tin rằng “mẹ” cũng là một giới tính. Và giới tính đó đương nhiên cần lên phim.

Lạc loài giữa hai miền văn hóa

Đạo diễn Uisenma cho biết tuy cô mang quốc tịch Đức, là một người gốc Mông Cổ nhưng khi bắt đầu hành trình tìm tiền quỹ cho bộ phim của mình, cô vẫn gặp phải sự phân biệt chủng tộc. Người Đức thấy cô da vàng, tóc đen thì nghĩ cô không phải người Đức. Còn người Mông Cổ thấy cô lớn lên và tiếp nhận giáo dục và sự phóng khoáng của châu Âu thì ngược lại, không xem cô là người Mông Cổ. Vì thế mà bộ phim Black Milk của Uisenma kể về hành trình một cô gái người Đức gốc Mông Cổ tìm một chỗ đứng, một nơi mà mình thuộc về. Nhân vật chính rời bỏ nước Đức để tìm về Mông Cổ nhưng cuối cùng cô vẫn lạc loài giữa hai miền văn hóa. “Cuối cùng, ta phải tìm ra nền văn hóa của chính bản thân mình”.

Một cảnh trong phim Black Milk của Uisenma Borchua do cô làm đạo diễn và đóng chính

chụp màn hình

Khi Uisenma về Mông Cổ làm phim, những người đàn ông ở đó không quen với việc một người phụ nữ có thể quyết định và làm lãnh đạo. Vì thế trên trường quay nếu họ muốn nói chuyện hoặc hỏi ý kiến về việc làm phim và vận hành đoàn phim, họ sẽ không bao giờ trực tiếp nói chuyện với Uisenma mà sẽ nói chuyện với người anh họ của cô. Cô cũng chia sẻ thêm, từ “kỳ thị chủng tộc” nghe rất nặng nề, không ai muốn nghe về nó quá nhiều nữa và nhiều người cho rằng cô không nên nói về đề tài này trước công chúng. Nhưng Uisenma tin rằng việc mình chứng kiến và ảnh hưởng bởi chuyện này, mình phải chấp nhận và nói ra vì nếu không thì chuyện ấy vẫn sẽ âm ỉ nằm yên ở đấy.

Chưa bao giờ là quá trẻ để làm phim

Đạo diễn Kim Mi-jo, một nữ đạo diễn chỉ với 19.000 USD để sản xuất bộ phim dài đầu tay tốt nghiệp của mình với thành phần đoàn chỉ 6 người cho biết mọi người luôn hình dung về một đạo diễn trông phải chững chạc giống như một “người lớn” thực sự. Vì thế, cô luôn có một áp lực bên trong mình rằng nhìn bề ngoài mình giống một cô bé, như một đứa trẻ và đó là một trong những lý do người ngoài không nghĩ rằng cô có thể làm được phim.

Nữ đạo diễn Phạm Hoàng Minh Thy cùng cộng sự của mình trên trường quay. Phạm Hồng Minh Thy là một nữ đạo diễn độc lập đã có một số tác phẩm phim ngắn đến các LHP thế giới, trong đó có phim Mây nhưng không mưa (đồng đạo diễn với Vũ Minh Nghĩa) được chọn tranh giải ở hạng mục Orizzonti Short tại LH Venice 2020)

nvcc

Feng-I Fiona Roan là đạo diễn trẻ nhất trong 4 vị khách mời. Fiona sinh năm 1990 và đã hoàn thành một bộ phim đầu tay được giải thưởng lớn tại các liên hoan phim và phát hành nhiều nước trên thế giới, trong đó có nền tảng Netflix. Fiona chia sẻ cùng các đạo diễn trẻ rằng lúc cô bắt đầu dự án phim, rất nhiều nhà đầu tư và nhiều người đều cho rằng cô quá trẻ để làm bộ phim này, hoặc là đạo diễn càng lớn tuổi thì làm phim càng hay nên tốt nhất hãy chờ cho đến khi mình chín muồi. “Nhưng tại sao ta phải chờ? Tôi tin rằng ở một số thời điểm nhất định trong cuộc đời, mình có nhu cầu kể một câu chuyện hoặc làm một bộ phim nhất định. Nếu để giai đoạn đó trôi qua, năng lượng ta sẽ không còn và lúc đó ta đã khác, qua một giai đoạn muốn làm một điều gì đó khác. Vì thế hãy tin vào bản thân của mình và làm điều mà bên trong mình thôi thúc”, cô nói.

Buổi trò chuyện Woman Film, Woman Live do chương trình Gặp gỡ mùa thu tổ chức vào ngày 19.11 vừa qua với các đạo diễn khách mời bao gồm: đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (phim Đp cánh gia không trung thắng giải Fedeora (Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải), đạo diễn người Đức gốc Mông Cổ Uisenma Borchua (phim Black Milk được trình chiếu tại LHP Berlin), đạo diễn Kim Mi-jo (phim Gull tranh giải tại LHP San Sebastian và thắng giải phim tốt nhất tại LHP Jeonji) và đạo diễn Feng-I Fiona Roan (phim American Girl thắng giải Đạo diễn mới xuất sắc nhất, Diễn viên xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất tại LHP Kim Mã).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.