Ông Nguyễn Văn Khỏe, 59 tuổi, là một nhà sáng chế người Việt Nam nổi bật với sáng kiến mang tính ứng dụng cao – bẫy muỗi Mosla, sản phẩm giúp kiểm soát và giảm thiểu sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Gặp nhà sáng chế bẫy muỗi chỉ học hết lớp 8: ‘Các bạn trẻ không nên bỏ học’
"Tôi đi khắp nơi làm việc với công ty nhiệt mặt trời thì thấy hiện trạng là muỗi nhiều ở những nơi mà tôi lắp máy," ông chia sẻ. Khi các kênh truyền thông liên tục tuyên truyền "không có loăng quăng là không có sốt xuất huyết", ông Khỏe nhận ra rằng, mặc dù đây là cách phòng ngừa quan trọng, nhưng không phải lúc nào cũng hiệu quả. Chính vì thế, ông quyết tâm tìm một giải pháp hiệu quả hơn để đối phó với dịch bệnh này.
Sản phẫm bẫy muỗi độc đáo, dễ ứng dụng
Sản phẩm bẫy muỗi Mosla ra đời với thiết kế đơn giản mà độc đáo. Không cần sử dụng điện hay hóa chất, Mosla tận dụng cơ chế tự nhiên để dẫn dụ muỗi mẹ tìm đến đẻ trứng. Lăng quăng sau khi nở ra sẽ bị giữ lại trong bẫy và không thể thoát ra ngoài. Với cấu trúc này, sản phẩm giảm thiểu sự phát triển của muỗi, từ đó góp phần kiểm soát dịch sốt xuất huyết. Để đạt đến thiết kế cuối cùng, ông Khỏe đã phải trải qua nhiều lần thử nghiệm, từ việc điều chỉnh độ rộng khe hở, mực nước cho đến lựa chọn chiều cao và chất liệu phù hợp.
Việc ứng dụng công nghệ in 3D đã giúp ông Khỏe hiện thực hóa ý tưởng một cách hiệu quả hơn, tiết kiệm cả về thời gian lẫn chi phí. "Có may mắn bây giờ với công nghệ in 3D thì mình rút ngắn được thời gian, chi phí cho một bộ khuôn mẫu, khiến nó rẻ hơn rất nhiều," ông Khỏe chia sẻ. Nhờ công nghệ này, ông có thể tạo ra nhiều mẫu thử với chi phí thấp, từ 5-7 triệu đồng, thay vì tốn kém hàng trăm triệu đồng để sản xuất khuôn mẫu bằng các phương pháp truyền thống.
Sau hàng loạt nỗ lực và cố gắng, sản phẩm bẫy muỗi của ông Khỏe đã đạt giải ba cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2024. Không chỉ vậy, ông còn nhận được bằng độc quyền sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ sau hơn 5 năm chờ đợi. Với giá bán dự kiến chỉ khoảng 100.000 đồng một chiếc và khả năng sử dụng lâu dài, sản phẩm Mosla của ông đang tạo ra một làn sóng tích cực trong cộng đồng.
Khát vọng của ông là có thể cung cấp bẫy muỗi này đến mọi người dân Việt Nam và tiến xa hơn trên thị trường quốc tế. Mục tiêu của ông là trong vòng 1-3 năm tới sẽ cung cấp 1 triệu sản phẩm tại Việt Nam, và trong 5 năm có thể đạt đến con số hàng trăm triệu sản phẩm trên toàn cầu. "Ngày trước khi chưa có mẫu này, chi phí dự trù lên tới 300.000-500.000 đồng. Nhưng giờ tôi chỉ bán với giá dưới 100.000 đồng một sản phẩm," ông Khỏe bộc bạch.
"Các bạn trẻ không nên bỏ học"
Nhìn lại con đường sự nghiệp của mình, ông Khỏe cho biết có một sai lầm tuổi trẻ đã khiến ông phải bỏ học từ năm lớp 8. Ông phải nỗ lực hơn rất nhiều so với người khác, tự học và tự tìm tòi để lấp đầy những kiến thức mà mình thiếu. "Mình nghĩ mình không được học nhiều nên cố gắng học bù lại những gì không được học, kể cả những lý thuyết ở trường đại học và tài liệu nước ngoài", ông Khỏe chia sẻ.
Dù chưa từng có bằng cấp cao, ông đã tự học và phát triển kỹ năng qua thực tế cuộc sống và công việc. Từ một người chỉ có kinh nghiệm thực tế, ông Khỏe đã xây dựng cho mình một nền tảng kiến thức vững chắc để phát triển những sáng kiến có ích cho xã hội. Ông cho rằng dù việc bỏ học không cản trở thành công của bản thân, ông không khuyến khích các bạn trẻ từ bỏ con đường học tập.
"Điều đó không có nghĩa là tôi khuyên các bạn trẻ là đừng học đại học. Tôi chỉ may mắn thôi, chứ không học đại học mà thành công là không đúng. Bốn đứa con của tôi đều học đại học đầy đủ", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Khỏe hy vọng rằng sản phẩm Mosla sẽ giúp đẩy lùi dịch sốt xuất huyết, mang lại môi trường an toàn hơn cho cộng đồng. Ông mong muốn rằng sẽ đến một ngày mà bẫy muỗi không còn cần thiết, khi căn bệnh này hoàn toàn bị đẩy lùi.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã biến ý tưởng thành hiện thực, góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch bệnh, mang lại hy vọng cho một tương lai an lành, không có sự đe dọa của sốt xuất huyết.
Bình luận (0)