Hôm qua, tại hội thảo quốc tế Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật xòe Thái trong xã hội đương đại (diễn ra từ 3 - 5.10, tại Đồng Mô, Hà Nội), ông Đặng Hoành Loan rất say mê khi nói về những ông bà then. Theo ông, họ là người làm chủ không gian diễn xướng then - một trong ba không gian trình diễn xòe Thái. “Xòe Thái có ba không gian trình diễn chính với ba quy mô nghệ thuật và nội dung nghệ thuật khác nhau. Trong đó, không gian trình diễn ra đời sớm nhất, có quy mô nghệ thuật chuyên nghiệp nhất, là diễn xướng then. Mỗi đêm then là một lần các ông bà then truyền đạt kiến thức xã hội, mà đặc biệt là truyền bá các hình thức nghệ thuật diễn xướng của họ tới cộng đồng”, ông Loan nói.
Theo nhà nghiên cứu, từ không gian thiêng của then, nghệ thuật xòe và nhạc tính tảu trong then lan ra mạnh trong cộng đồng. Nó hấp dẫn đến mức xòe và âm nhạc trong then dần dà được cộng đồng “nhấc” khỏi không gian thiêng. Người dân cũng đưa xòe và âm nhạc then vào các cuộc vui trong sinh hoạt cộng đồng - đây là không gian thứ hai của xòe. “Theo chúng tôi, điệu múa được cộng đồng ứng dụng sớm nhất vào đời sống sinh hoạt là điệu xòe vòng quanh cây pang trong lễ kin pang then. Xòe gần gũi với sinh hoạt cộng đồng, dễ múa, không hạn chế người tham gia, lại có âm nhạc háo hức. Nó trở thành tập tục nghệ thuật của người Thái”, ông Loan nói. Vì thế, khi nói đến những kẻ mất gốc, người ta dùng câu “Nó quên mất xòe rồi”.
Không gian thứ ba của xòe Thái, theo ông Loan, chính là không gian mà các đội xòe của quý tộc Thái xưa xây dựng. Họ tổ chức các đội xòe chuyên nghiệp để trình diễn trong những lễ lạt, ngoại giao. “Tương truyền, người biến xòe then thành xòe nghệ thuật chuyên nghiệp là nghệ sĩ Điêu Chính Ngâu. Xòe nghệ thuật chuyên nghiệp, có những nguyên tắc múa đã được quy chuẩn, các nghệ sĩ múa được tuyển chọn và đào tạo rất bài bản”, ông Loan nói.
Tuy nhiên, theo ông Loan, nghệ thuật xòe Thái chỉ còn lại hai không gian trình diễn, đó là không gian diễn xướng then và không gian sinh hoạt cộng đồng. Các đội xòe chuyên nghiệp đã giải tán.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hảo, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, cho rằng cần nhân rộng các đội xòe trong các thôn bản và xây dựng được mô hình của các đội xòe truyền thống. Có như vậy mới thu hút được khách du lịch và để xòe trở thành một sản phẩm du lịch của người Thái ở Tây Bắc. Về điều này, ông Loan cho rằng việc khôi phục rất cần. “Nó giúp nghệ nhân truyền dạy xòe tốt hơn. Nó cũng giúp xóa bỏ các đứt gãy khi giải tán những đội xòe trước đây”, ông nói.
Bình luận (0)