Đa dạng các loại bánh in
Bánh in là món bánh truyền thống không thể thiếu trong ngày tết của nhiều gia đình miền Trung sống ở TP.HCM. Dù theo thời gian có nhiều loại bánh để lựa chọn nhưng nhiều người vẫn giữ truyền thống tìm mua bánh in đặt lên bàn thờ gia tiên.
Bà Đinh Thị Kiều Oanh (45 tuổi, quê gốc Quảng Ngãi) bán đồ khô, bánh kẹo ở chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình, TP.HCM) hơn chục năm nay. Những ngày sát tết, bánh in là một trong những loại được khách lựa chọn nhiều, bà phải lấy thêm hàng mới đủ phục vụ khách.
Bánh in miền Trung bán ở chợ Bà Hoa |
dương lan |
Bà Oanh cho biết, bánh in có nhiều loại như bánh in bột nếp, bánh in đậu xanh, bánh in bột bình tinh… Vào dịp tết, khách đến mua bánh in tăng lên gấp 5 lần và chủ yếu là người miền Trung.
“Người miền Trung thường mua bánh in, trước để cúng ông bà, sau để con cháu thụ lộc. Ăn bánh này uống kèm nước trà là ngon nhất. Từ xa xưa ông bà đã ăn bánh in, mọi người vẫn gìn giữ truyền thống này đến bây giờ”, bà nói.
Bà Oanh hào hứng chia sẻ về bánh in |
dương lan |
Cũng theo bà Oanh, dù xa quê đã lâu nhưng bà vẫn nhớ cách làm bánh in. Điều này in sâu trong ký ức nên mỗi lần nhắc lại bà có thể kể một cách chi tiết. Hồi trước, bánh in đậu xanh được nặn bằng khuôn đồng còn bánh in bột nếp thì dùng khuôn gỗ.
“Bánh in có nhiều cách làm, mỗi bánh có kiểu làm khác nhau. Bánh in đậu xanh có người rang đậu lên rồi mới xay, in ra từ khuôn nên gọi là bánh in. Hồi xưa ít nơi bán vì đến tết mỗi nhà đều tự làm. Bây giờ có nhiều cơ sở hơn, nhiều người đi mua thay vì làm ở nhà. Ngày tết làm bán nhiều hơn ngày thường”, bà Oanh chia sẻ.
Sau khi lấy ra từ khuôn, bánh được sấy giòn để bảo quản được lâu hơn. Bánh có thể để 5 - 6 tháng mà hương vị vẫn thơm ngon, chất lượng đảm bảo. Bà Oanh lấy bánh từ Quảng Ngãi vào bán. Khoảng giữa tháng chạp, khách bắt đầu hỏi mua bánh, không khí ở chợ đông vui, nhộn nhịp. Bánh in chỗ bà Oanh có giá 15.000 - 50.000 đồng/gói.
Bánh in bột nếp (bên trái) và bánh in bột bình tinh (bên phải) |
dương lan |
“Khi tôi lớn lên mọi người đã chuyển qua mua thay vì tự làm như trước. Tôi vẫn nhớ hình ảnh ba mẹ, các cô tôi làm bánh này ngày xưa”, bà Oanh cho hay.
Bà Thanh Nga (47 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) thường ghé chợ Bà Hoa mua các loại bánh, nguyên liệu miền Trung. Sát tết, bà cũng mua bánh in để giữ nét truyền thống dù xa quê.
“Giờ con cháu ít ăn loại bánh này nhưng năm nào tôi cũng mua về cúng tết, nếu không có cứ thấy thiếu thiếu. Hồi xưa ở quê nhà tôi hay ăn bánh in, uống trà. Bánh này dễ làm nhưng vì không có thời gian nên tôi thường mua cho tiện”, bà nói.
Hương vị tết miền Tây qua bánh in
Người miền Tây cũng có bánh in nhưng cách làm khác với bánh in miền Trung. Trước đây, món bánh truyền thống chỉ có bột nếp, đậu xanh và đường. Bánh có màu trắng, có hình tròn hoặc hình vuông. Ngày nay, bánh có nhiều cải tiến, mẫu đa dạng hơn. Bánh có nhân đậu xanh sầu riêng, đậu xanh lá dứa để thêm lựa chọn.
Có nhiều loại bánh in khác nhau |
dương lan |
Bánh in cũng được người miền Tây dùng trong các dịp lễ truyền thống hoặc đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Tại cửa hàng Hương Việt (đường Thích Quảng Đức, Q.Phú Nhuận), bánh in được bán cùng nhiều loại bánh đặc sản miền Tây khác. Theo nhân viên ở đây, bánh in là loại bánh được nhiều thực khách lựa chọn, nhất là vào dịp tết.
Bánh in có giá 15.000 - 50.000 đồng/gói tùy loại |
dương lan |
Bánh in được cửa hàng này bán với giá 55.000 - 58.000 đồng/gói tùy từng loại. Khác với bánh in miền Trung sau khi sấy khô nên giữ được lâu, bánh in miền Tây có thời hạn sử dụng chỉ khoảng 1 tháng. Hiện tại, đã có nhiều khách đặt mua bánh in làm quà biếu trong dịp Tết Quý Mão 2023.
Bánh in miền Tây có nhân ở giữa |
dương lan |
Bình luận (0)