Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhằm thay thế Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009. Đây là dự thảo lần 3, đã có nhiều chỉnh lý so với 2 dự thảo trước. Một trong những điểm đáng chú ý, là thay cho hình thức giám sát bằng quan sát như trước đây, tại dự thảo lần này quy định người dân được phép giám sát hoạt động của công an nhân dân (CAND), trong đó có lực lượng CSGT, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình, hoặc quan sát trực tiếp theo quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ.
Lên án những cái xấu, lan tỏa câu chuyện đẹp
Anh Nguyễn Công Tư, 27 tuổi, nhân viên làm việc tại tòa nhà Alpha Tower, 151 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM ủng hộ việc cho người dân ghi âm, ghi hình lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. CSGT có nhiệm vụ điều tiết và giám sát người dân khi tham gia giao thông, bây giờ người dân được quyền giám sát lại. Việc này giúp hạn chế hối lộ, nhũng nhiễu.
“Tôi nghĩ rằng tùy lúc, tùy sự việc, không phải tự nhiên chạy lại quay các anh CSGT đang làm việc, đồng thời việc mình ghi âm, ghi hình này cũng cần trong sự tôn trọng các anh, làm đúng quy định của pháp luật, không gây khó khăn, cản trở cho các anh khi đang làm nhiệm vụ”.
|
Trả lời câu hỏi, sau khi quay xong những hình ảnh, giả sử nếu có bất thường về cách làm việc của lực lượng CSGT, anh sẽ làm gì, anh Tư trả lời: “Tôi nghĩ là bây giờ kênh truyền thông trên mạng xã hội mạnh mẽ, mọi người đều dùng Facebook, YouTube, Zalo… nên nếu là người trong cuộc thấy CSGT không chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong của cán bộ, chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ tôi sẽ đăng lên Facebook, chia sẻ để nhiều người biết tới hơn, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc, đó cũng là cách để lên án những cái xấu”.
Anh Trác Nghĩa Lê, 29 tuổi, cũng làm việc tại tòa nhà Alpha Tower 151 Nguyễn Đình Chiểu, cho biết từ việc ghi hình lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ có thể lan tỏa những câu chuyện đẹp. “Nếu tôi đi đường, gặp những hình ảnh đẹp như CSGT che dù cho một cụ bà trời mưa, hoặc dắt tay trẻ nhỏ, cụ bà qua đường, tôi cũng sẽ quay lại hình ảnh đó và chia sẻ trên Facebook, YouTube…. Chúng ta không chỉ nên nhìn nhận những câu chuyện ở góc độ tiêu cực, sẽ còn rất nhiều câu chuyện đẹp ngoài đời cần lan tỏa trên mạng xã hội”, anh Trác Nghĩa Lê cho hay.
Người ghi hình phải thông tin một cách đầy đủ và trung thực
Anh Nguyễn Thành Toàn, tài xế xe hợp đồng, 27 tuổi, trú đường Lê Quang Kim, P.9, Q.8, TP.HCM nêu ý kiến: “Hiện nay có nhiều người bị cuồng Facebook, YouTube, cái gì cũng đăng lên mạng xã hội dù chưa biết đúng sai như thế nào. Nhiều bạn có thể không chứng kiến toàn bộ câu chuyện, nhưng quay được một đoạn clip bất lợi cho CSGT chẳng hạn, nó không phản ánh sự thật, nhưng khi đăng lên mạng xã hội nó đã gây những hiệu ứng tiêu cực”.
Anh Nguyễn Khắc Thu, cử nhân ngành luật, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay việc cho phép người dân ghi âm, ghi hình lực lượng CAND nói chung, CSGT nói riêng đang làm nhiệm vụ có những ưu điểm đó là: Tăng cường khả năng giám sát từ phía người dân, tăng cường minh bạch: Ghi âm và ghi hình được thực hiện dễ dàng với smartphone - hiện rất phổ biến với hầu hết mọi người. Các phương tiện truyền thông, diễn đàn, mạng xã hội giúp những bằng chứng này được công khai hóa, nên nó sẽ là công cụ giám sát rất hiệu quả bên cạnh sự tự giám sát trong chính lực lượng cảnh sát và giám sát của tòa án. Cảnh sát khi biết mình đang bị ghi hình tự bản thân người ta sẽ hành xử cẩn trọng hơn, tuân thủ pháp luật và các quy định ràng buộc họ. Người dân có thêm bằng chứng để sử dụng cho các khiếu nại, khiếu kiện sau này khi cần….
|
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Khắc Thu, việc cho phép người dân ghi âm, ghi hình này cũng có thể khiến lực lượng cảnh sát dè chừng khi thực thi nhiệm vụ, không thực hiện đúng vai trò, chức năng của mình bởi họ sợ sức ép từ đám đông dư luận.
“Người ghi âm, ghi hình có nghĩa vụ truyền tải thông tin một cách đầy đủ và trung thực. Tuy nhiên với công nghệ hiện nay, người ta có thể cắt ghép, chỉnh sửa những bằng chứng ghi âm, ghi hình nhằm khiến người xem hiểu không đúng sự thật, sau đó đăng tải nó một cách ẩn danh trên rất nhiều nền tảng khác nhau. Khi dư luận tiếp nhận những thông tin sai lệch như vậy sẽ có ý kiến tiêu cực về lực lượng thực thi nhiệm vụ. Điều này có thể khiến cho cho cảnh sát khi bị ghi âm, ghi hình ở những lần sau không dám, không muốn thực thi đúng pháp luật nữa, chẳng hạn không xử lý, xử lý nhẹ, xử lý mất nhiều thời gian với người vi phạm hành chính, bỏ lọt tội phạm, không áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời trong tình huống khẩn cấp…”.
Cũng theo anh Thu, việc ghi âm, ghi hình CSGT cũng có nguy cơ như có thể làm lộ những vấn đề cần giữ bí mật khi cảnh sát thực thi nhiệm vụ.
“Ví dụ danh tính của các cảnh sát chìm trong chuyên án triệt phá đường dây tội phạm, các công tác của cảnh sát khi truy bắt tội phạm… các hoạt động này được công khai sẽ làm tội phạm tránh được sự truy bắt của cảnh sát, hoặc gây nguy hiểm đến những cảnh sát đang làm nhiệm vụ. Người dân cần được phổ biến về các biện pháp để giảm thiểu những nguy cơ trên. Chẳng hạn như những lưu ý khi ghi âm, ghi hình, hoặc trường hợp ghi âm, ghi hình nhưng không được công khai hóa ngay lập tức mà cần đợi cảnh sát thực thi nhiệm vụ xong, khi nào cần giữ bí mật danh tính của những người bị ghi âm ghi hình…”
Bình luận (0)