Giả bệnh nhân lừa đảo

10/09/2013 10:50 GMT+7

Lợi dụng lòng thương của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ mang thai, các bậc cha mẹ dễ mủi lòng, hai con nghiện ma túy nhập vai những bệnh nhân đáng thương, có mặt tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM lừa đảo...

Từ thông tin qua Đường dây nóng của Thanh Niên, nhóm PV đã lần theo hành trình đóng giả người bệnh có hoàn cảnh khó khăn một cách tinh vi của hai người này (một nam và một nữ) trong 2 tuần cuối tháng 8.

Giả bệnh nhân lừa đảo
Hai “vợ chồng” hờ lỉnh kỉnh hành lý và đạo cụ chuẩn bị hoạt động

Giả bệnh nhân lừa đảo6
Cả hai cầu mong tình thương trước dòng người qua lại ở BV Từ Dũ

Giả bệnh nhân lừa đảo2
Đếm tiền chia nhau sau khi rời bệnh viện vào ngày 24.8

Giả bệnh nhân lừa đảo4
Sau khi kiếm đủ sở hụi, họ tấp vào ăn uống để dưỡng sức, lúc này người phụ nữ đã tháo băng ra, trở thành người lành lặn

Thu tiền triệu mỗi ngày

Một ngày, cả hai bắt đầu “công việc” vào khoảng 9 giờ sáng ở cổng BV Nhi đồng 2 (14 Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM). Buổi chiều, họ đổi điểm sang BV Từ Dũ (284 Cống Quỳnh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) và đến tối là các BV Nhiệt đới (Q.5), Nguyễn Tri Phương (Q.10)…

Khoảng 14 giờ ngày 27.8, cặp nam nữ lừa đảo trong vai vợ chồng, tay vác ba lô, giỏ xách, phim chụp X-quang... xuất hiện gần cổng BV Từ Dũ để bắt đầu kể nghèo, kể khổ. Vị trí đứng của đôi vợ chồng này ngay góc giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh (nằm giữa bãi giữ xe và cổng chính BV) có lượng người qua lại rất đông.

Với cơ thể gầy gò, xanh xao nên khi đóng vai bệnh nhân, cả hai đã khiến nhiều người lầm và dễ dàng cho tiền. Người nam ngoài 30 tuổi, mặc chiếc áo xanh công nhân, đi cùng “vợ” có bàn tay bị băng bó. Anh này chủ động bắt chuyện người qua lại để xin tiền, miệng lúc nào cũng lễ phép: “Dạ, anh chị có thể cho em mấy đồng về xe không ạ?” hay: “Anh chị ơi, giúp em mấy đồng để chữa bệnh cho vợ, vợ chồng em đang rất cần tiền chạy chữa”. Trong khi “chồng” kể khổ, người “vợ” đứng ủ rũ, làm dáng để đánh động lòng thương của nhiều người, nhưng mắt không ngừng liếc ngang liếc dọc để quan sát.

 

Đi qua thấy họ tội nghiệp nên giúp đỡ. Nhìn họ cũng bệnh tật, mặt xanh xao, có ai nghĩ là lừa đảo đâu?

Chị Trúc (ở Tây Ninh)

Có rất nhiều người đã đứng lại hỏi thăm và cho tiền. Đặc biệt, các cặp sắp “lên chức bố, mẹ” thường móc hầu bao ra giúp đỡ từ vài chục lên đến vài trăm ngàn đồng để “làm phước cho con”. Chưa đầy một giờ đồng hồ, cả hai đã xin được gần cả triệu đồng.

Các bác tài xe ôm hoạt động trước cửa BV Từ Dũ cho biết hai người trên đã hoạt động ở đây gần 2 năm. “Họ chả có bệnh tật gì cả, kiếm tiền để thỏa mãn cơn nghiện thôi”, một tài xe ôm nói. Cũng theo thông tin của cánh xe ôm, mỗi ngày tại khu vực BV Từ Dũ, hai “vợ chồng” này kiếm cả triệu đồng từ tình thương của mọi người. “Ai cũng thấy, cũng biết nhưng cũng chẳng ai vạch mặt bởi tụi này toàn xì ke ma túy nên không muốn đụng vào”, một anh xe ôm khác nói.

Chiều 31.8, sau khi “kiếm đủ” ở khu vực BV Từ Dũ, cả hai tiếp tục di chuyển sang BV Nhiệt đới. Lúc này trời mưa gió, lạnh nhưng cả hai vẫn đứng ở đoạn giữa cổng BV đến bãi giữ xe. Chính thời tiết không thuận lợi đã tạo thêm điều kiện cho hai kẻ lừa đảo kiếm ăn. Thấy người bệnh đứng dưới mưa xin tiền, không chỉ những người ra vào BV mà nhiều người đi đường cũng động lòng ghé xe vào cho tiền.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày này hai nhân vật đề cập ở trên "quăng lưới" ở ba nơi, số tiền thu về trên dưới 3 triệu đồng.

Ít ai nghĩ bị lừa

Sau khi xin tiền xong ở mỗi điểm, cả hai di chuyển đến những nhà vệ sinh công cộng gần đó và ngay lập tức người phụ nữ tháo gạc đang băng ở tay ra. Từ vai nghèo khổ, bệnh tật, họ trở nên bình thường, đi mua thức ăn và đồ uống để bồi bổ chuẩn bị cho “hành trình mới ở BV khác”.

Từ BV Từ Dũ ra, cả hai đến vỉa hè công viên 23.9 chia tiền kiếm được. Đáng chú ý, khi đến một quán nước nhỏ (góc Phạm Ngũ Lão - Đỗ Quang Đẩu) cả hai dừng lại khá lâu, trao đổi gì đó với chủ quán trong vòng 5 phút, sau đó nhanh chóng vào công viên 23.9 đến khu vực nhà vệ sinh công cộng. Khoảng 15-30 phút sau, cả hai trở ra với gương mặt đờ đẫn. “Ngày nào chúng nó chả đến đây. Dân nghiện vào phê ma túy đấy”, một tài xế xe ôm đậu gần đó nói vẻ rành rẽ khi chúng tôi tỏ vẻ muốn vào nhà vệ sinh nhưng người trong đó lâu ra quá.


Lấy băng gạc ra quấn cánh tay lành lặn cải trang để đến bệnh viện khác lừa đảo

Từ công viên trở ra, cả hai nghỉ ngơi ít phút rồi bắt đầu trang điểm lại cho giống người bệnh. Người nữ lấy băng gạc ra quấn lại bàn tay một cách tỉ mỉ và biến thành bệnh nhân. Còn anh “chồng” chỉnh lại quần áo, tóc tai rồi họ tiếp tục hành trình đến BV khác lừa lòng thương của mọi người.

Toàn bộ hành trình trên như được lập trình, không sai sót. Kết thúc ngày làm việc, thường khoảng 21 - 22 giờ, hai người đón xe ôm về hướng chợ Bến Thành, xuống xe đi vào hẻm 120 Trần Hưng Đạo, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1.

Theo khảo sát của chúng tôi, đa số các bệnh nhân hay người thân ra vào các BV, do lòng hảo tâm, từ bi, nên ai cũng dễ dàng bỏ chút tiền túi ra để giúp đỡ người khó khăn, hoạn nạn. Khi đặt vấn đề với những người cho tiền hai vợ chồng này, tất cả đều ngạc nhiên. Chị Trúc (ở Tây Ninh) đưa con đi khám tại BV Nhiệt đới nói: "Đi qua thấy họ tội nghiệp nên giúp đỡ. Nhìn họ cũng bệnh tật, mặt xanh xao, có ai nghĩ là lừa đảo đâu?”.

Trong những ngày theo dõi hai đối tượng nói trên, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều đối tượng khác cũng kiếm tiền bằng chiêu đóng giả bệnh nhân ở trước các BV.

Lương Ngọc - Hữu Thành - Ngọc Tiến Út
Ảnh: Độc Lập - Lương Ngọc - Hữu Thành

>> Lật tẩy một vụ chăn dắt ăn xin
>> Cha bắt con gái 6 tuổi trần truồng đi ăn xin
>> Ngăn chặn hai người Trung Quốc ăn xin trá hình tại Đà Nẵng
>> Cho tiền ăn xin, coi chừng bị phạt! 
 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.