Giá chưa tăng, hóa đơn điện đã tăng vọt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/04/2023 06:35 GMT+7

Giá điện rục rịch chuẩn bị tăng, trong khi hóa đơn tiền điện chưa vào mùa nắng nóng cao điểm đã có dấu hiệu tăng mạnh khiến nhiều chủ hộ tá hỏa.

Hóa đơn nhiều hộ đã tăng 20 - 25%?

Ngày 3.4, tại buổi họp hằng tháng của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết áp lực tăng giá điện là rất lớn và Bộ đang trình phương án tăng giá bán lẻ. "Mức tăng giá cụ thể, thời điểm tăng sẽ được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo tổng hòa lợi ích như bài toán cân đối tài chính cho Tập đoàn Điện lực VN (EVN), lợi ích người dân, doanh nghiệp sản xuất và kiểm soát lạm phát", ông Hải nói.

Nhưng không chờ đến khi giá bán lẻ điện được điều chỉnh tăng, hóa đơn tiền điện tháng 3 (của nhiều gia đình, hộ kinh doanh) đã tăng mạnh, mặc dù thời tiết mới bắt đầu vào mùa nắng nóng.

Ngày 4.4, anh Phan Văn Cường (ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cho hay hóa đơn tiền điện tháng 3 của gia đình anh tăng gấp đôi so với 2 tháng trước. Cụ thể, tháng 3, hóa đơn gia đình thanh toán là 1,868 triệu đồng, tháng 2 là 978.000 đồng và tháng 1 hơn 1 triệu đồng. Anh Cường nói: "Năm nay, do gia đình giảm thành viên nên chỉ bật thường xuyên một máy lạnh. Nhờ đó, tiền điện có giảm so với năm ngoái từ 200.000 - 300.000 đồng/tháng. Năm 2022, tiền điện trả trung bình 1,2 - 1,3 triệu đồng/tháng, dùng 2 máy lạnh. Tuy nhiên, vừa rồi hóa đơn tiền điện tháng 3 báo về bỗng dưng tăng gấp đôi so với tháng 2 trong khi nhu cầu sử dụng điện trong gia đình không có gì đột biến. Giả sử nóng quá, bật máy lạnh nhiều hơn, cũng không thể tăng gấp đôi như vậy được".

Giá chưa tăng, hóa đơn điện đã tăng vọt - Ảnh 1.

Nhiều hộ gia đình phản ánh hóa đơn tiền điện tháng 3 đã tăng mạnh

MẠNH CƯỜNG

Bà Nguyên An (ở Q.4, TP.HCM) cũng cho hay hóa đơn tiền điện của gia đình trong tháng 3 vọt lên 4,4 triệu đồng, trong khi hóa đơn tháng 2 chỉ hơn 2 triệu đồng. Hơn 2 triệu cũng là mức tiêu thụ trung bình trước nay của gia đình bà An. "TP.HCM nắng nóng mới hơn 10 ngày trở lại đây, hóa đơn tiền điện lại tăng vọt gấp đôi, gia đình không có nhu cầu hay thiết bị gì tăng tiêu thụ điện đột biến như vậy. Thấy hóa đơn mà tá hỏa", bà An bày tỏ.

Giải thích về hóa đơn tiền điện một số hộ tăng vọt, theo Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), trong tháng 3, do có sự điều chỉnh ngày ghi chỉ số điện năng sử dụng, nên hóa đơn tiền điện của một số hộ gia đình sẽ có thay đổi đáng kể. Cụ thể, trước đây khi chưa có hệ thống ghi chỉ số điện từ xa, việc ghi điện thủ công chia ra từng ngày theo tuyến (phiên ghi). Có khu vực chỉ số giá điện được ghi từ ngày 3 hằng tháng, nhưng có nhóm hộ gia đình được ghi từ ngày 25 hằng tháng. Đến nay, EVNHCMC đã cơ bản hoàn tất việc thay công tơ có chức năng đọc chỉ số từ xa, nên việc ghi chỉ số được tự động hoàn toàn. Vì vậy, các công ty điện lực từng bước sắp xếp lại phiên ghi điện về ngày cuối tháng nhằm giúp khách hàng là hộ gia đình dễ nhớ ngày ghi chỉ số, ngày thanh toán tiền điện và cũng như thuận lợi cho khách hàng là doanh nghiệp thực hiện đúng quy định kế toán (kỳ kế toán tháng là tính từ ngày 1 đến hết ngày cuối cùng của tháng). Khi thay đổi lịch ghi, khách hàng có thể nhận hóa đơn nhiều hơn tháng liền kề vì số ngày sử dụng tăng cao (có thể từ 30 ngày lên 45 hoặc hơn 50 ngày), nhưng điện sử dụng bình quân theo ngày thì không tăng. Trước khi thực hiện thay đổi ngày ghi chỉ số, điện lực thành phố đã thông báo tới khách hàng thời gian thực hiện cụ thể.

Với phản ánh chỉ số điện tăng tại một số hộ gia đình nói trên, EVNHCMC cho biết, qua kiểm tra cho thấy số kWh điện tiêu thụ của các gia đình này nằm trong kỳ chuyển phiên ghi về cuối tháng trong kỳ ghi điện tháng 3 vừa qua, làm tăng thêm số ngày sử dụng điện so với kỳ liền kề, do số ngày sử dụng điện nhiều hơn, từ 30 ngày lên 50 - 53 ngày.

Cần chính sách quyết liệt, đột phá hơn

Tuy nhiên, so với hóa đơn tiền điện ghi đúng 30 ngày mỗi tháng, hộ gia đình bà Nguyên An (ở Q.4) tháng 3 vẫn cao hơn hóa đơn tháng 1 khoảng 300.000 đồng và cao hơn tháng 2 khoảng 750.000 đồng. Hay tại hộ bà Nguyễn Thị Tuấn Anh (ở Q.2), hóa đơn tiền điện tháng 3 cũng tăng hơn các tháng trước. Bà Anh cho biết, gia đình đi vắng cả ngày, chỉ tối về nhà nấu ăn bếp điện. Lượng điện tiêu thụ của gia đình năm ngoái trung bình 380 kWh, trả khoảng 937.000 đồng, nay lên 480 kWh, vừa chuyển khoản trả 1,257 triệu đồng, tăng 320.000 đồng so với các tháng trước. Đại diện một công ty logistics tại Q.1 cũng cho hay, lượng điện năng tiêu thụ trong văn phòng tháng 2 trả khoảng 27 triệu đồng, sang tháng 3 vọt lên 32,5 triệu đồng (giá điện kinh doanh văn phòng đóng khoảng 4.448 đồng/kWh).

Tổng cục Thống kê trong báo cáo tháng 3 và hết quý đầu năm cũng cho thấy, giá điện sinh hoạt tháng 3 của cả nước tăng 0,48% so với tháng 2 và quý đầu năm giá điện sinh hoạt tăng 2,71% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia khí tượng thủy văn, các thành phố có tốc độ đô thị hóa cao sẽ có độ bức xạ nhiệt cao hơn. Nhiệt độ cảm nhận luôn cao hơn nhiệt độ khí tượng từ 2 - 3 độ C, thậm chí có nơi nhà cửa bê tông nhiều, cư dân đông, xe cộ đi lại với tần suất cao thì nhiệt độ cảm nhận có thể cao hơn 5 độ C so với mức dự báo của khí tượng. TP.HCM là một trong những địa phương có nhiệt độ thực tế khá cao so với mức dự báo trong vòng 34 - 35 độ C. Đây cũng là một trong những lý do theo lý giải của ngành điện khiến điện năng tiêu thụ của người dân tăng cao hơn.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nói, hóa đơn tiền điện đang vào mùa cao điểm tăng cao hơn ngày thường do nhu cầu sử dụng quạt, máy lạnh tăng. Ngay tại Hà Nội, tháng 1 và 2 chưa sử dụng máy lạnh nhưng từ cuối tháng 3 đã bắt đầu phải dùng. Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã có kết luận về số tiền lỗ của EVN, lỗ vì 4 năm giá bán lẻ điện không được điều chỉnh, chi phí đầu vào lại tăng. Năm nay, nước thủy điện được dự báo giảm 15 - 20%, giá than vẫn còn cao chót vót, thế nên giá điện có thể tăng sớm hơn dự tính. Như vậy, hóa đơn tiền điện của người dân trong thời gian tới có thể tăng "kép".

Trong báo cáo gửi Chính phủ ngày 3.4, Bộ KH-ĐT cũng thừa nhận, việc điều chỉnh tăng giá điện và các mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá, cộng thêm chính sách tiền lương tăng từ tháng 7 sẽ khiến công tác điều hành giá năm nay chịu áp lực lớn vì tác động đến lạm phát. 

Cần chính sách dứt khoát để tránh lãng phí điện

Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định, câu chuyện giá điện tăng và áp lực tăng một phần do công tác quản lý của ta còn "đủng đỉnh" quá. Trong khi EVN than chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp lỗ, giá than tăng nhưng một chính sách đột phá để sớm phát điện tái tạo lên lưới điện vẫn còn quá chậm và đến nay chưa thấy lối ra. Nhà đầu tư từng đề xuất bán lại bằng 90% giá nhập khẩu, mới đây, một số nhà đầu tư còn đề xuất cho phát lên lưới điện chỉ tạm thu 50% giá để giảm lãng phí năng lượng, giảm áp lực cho nhà đầu tư. Bộ Công thương nên lưu ý điều này chứ đừng chỉ đạo mãi hoàn thành giá đàm phán trong khi vướng tắc đủ đường nữa.

"Chúng ta đã có khung giá điện tái tạo chuyển tiếp từ tháng 1, đến tuần cuối cùng tháng 3, Bộ lại hối thúc EVN phải đàm phán, chốt giá với nhà đầu tư điện tái tạo… Rồi không ai nộp hồ sơ, không đàm phán được. Bộ sắp tới sẽ chỉ đạo gì nữa? Giá điện và nhu cầu sử dụng điện của người dân, doanh nghiệp cần những chính sách dứt khoát để tránh lãng phí điện", ông Phú nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.