So với đầu tháng 9, giá cổ phiếu MB đã giảm gần 4.000 đồng, tương đương hơn 16,6%, xuống còn 19.800 đồng; cổ phiếu MSB giảm hơn 11%, bay mất 2.100 đồng, xuống còn 16.900 đồng; cổ phiếu TCB cũng giảm gần 6.000 đồng, khoảng 15,28%, còn 33.000 đồng/cổ phiếu. ACB cũng giảm giá gần 11%, tương đương 2.600 đồng/cổ phiếu so với đầu tháng, xuống còn 22.000 đồng/cổ phiếu…
Giá cổ phiếu ngân hàng giảm trong tháng 9 |
ngọc thắng |
Nhóm cổ phiếu các ngân hàng đầu ngành cũng giảm khá mạnh. Cổ phiếu VCB giảm 10.000 đồng, gần 12%, xuống còn 74.000 đồng/cổ phiếu; CTG cũng giảm 20%, bay mất hơn 5.600 đồng so với đầu tháng, còn 22.600 đồng/cổ phiếu; BID bốc hơi hơn 16%, mất 6.500 đồng, xuống còn 33.500 đồng… Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ có EIB là tăng mạnh 6.400 đồng so với đầu tháng, lên 36.750 đồng/cổ phiếu.
Là nhóm được mệnh danh cổ phiếu vua, nắm giữ 38% vốn hóa thị trường nên việc giảm giá của nhóm cổ phiếu này đã tác động đến chỉ số chứng khoán. Mặc dù các ngân hàng thương mại đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng trong tháng 9 nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm mạnh. Thế nhưng dòng tiền trong nước cũng như khối ngoại bán tháo lượng cổ phiếu nắm giữ. Thanh khoản nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng ở mức thấp.
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong những tháng tới nhằm kiểm soát lạm phát cùng nỗi lo ngại lạm phát và nợ xấu gia tăng đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư đối với triển vọng ngành ngân hàng. Thêm vào đó, cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng hiện nay làm gia tăng chi phí vốn của các nhà băng, trong khi lãi vay chưa tăng tương xứng. Điều này khiến chênh lệch lãi suất giữa đầu ra và đầu vào kéo sát nhau. Lợi nhuận của ngân hàng cũng vì thế được dự báo giảm.
Một số dự báo trong ngắn hạn cho biết, giá cổ phiếu ngân hàng khó có thể bật tăng mạnh, kéo thị trường chứng khoán đi lên. Tuy nhiên ở vùng giá hiện tại khá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn, thích nắm giữ cổ phiếu ngân hàng.
Bình luận (0)