Anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Hải Yang, H.Mang Yang (Gia Lai) cho biết, gia đình anh trồng 7.000 m2 chanh dây, từ tết đến nay giá tiên tục tăng, hiện đã cao hơn năm trước rất nhiều.
“Gần một tháng nay, gia đình tôi thu khoảng gần 30 tấn. Chanh đẹp, đủ tiêu chuẩn xuất sang châu Âu nên thương lái thu mua với giá trên 40.000 đồng/kg. Chanh múc (trái nhỏ, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu) thì bán giá 7.000 - 8.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, vụ này gia đình tôi lãi hơn trên 230 triệu đồng”, anh Hồng nói.
Từ nhiều năm nay, các nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai đã lập thành tổ liên kết để hỗ trợ cho nhau về kỹ thuật, tiêu thụ. Ông Trần Ngọc Châu, Tổ trưởng Tổ liên kết ở xã Hải Yang vui mừng cho biết: “Một, hai năm trước, giá chanh múc chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg thì năm nay, giá luôn duy trì 7.000 - 8.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm còn cao hơn. Còn chanh quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu có giá 40.000 đồng/kg hoặc hơn. Sản phẩm chanh múc của chúng tôi được Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai thu mua khoảng 500 tấn/vụ theo hợp đồng đã ký”.
Theo tính toán, với mỗi ha chanh dây, nông dân đầu tư giống, vật tư, phân bón khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha với chu kỳ thu 3 năm. Với giá thành hiện nay, nông dân sau khi trừ mọi chi phí có thể lãi từ 300 - 600 triệu đồng/ha tùy năng suất và chất lượng quả. Ngoài ra, việc trồng, chăm sóc loại cây này cũng khá đơn giản, có thể thu hoạch sau 5 - 7 tháng trồng. Nhiều nông dân tay ngang cũng có thể trồng được. Do vậy, từ nhiều năm nay chanh dây là loại cây được nông dân Gia Lai tin tưởng chọn trồng.
Đặc biệt, chanh dây được thương lái, các công ty thu mua hết nên đầu ra của sản phẩm không còn là mối lo của nông dân. Một số công ty cũng hỗ trợ cây giống, phân bón và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thế nên sau một thời gian dài điêu đứng khi hồ tiêu bị bệnh chết, xuống giá không phanh thì chanh dây đang giúp nhiều nông dân vực lại.
Ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đăk Đoa (Gia Lai) nói: “Chúng tôi khuyến khích người dân chỉ nên trồng chanh dây trên những diện tích hồ tiêu bị chết, không có khả năng phục hồi. Với những vườn cà phê đang trong giai đoạn tái canh ở hai năm đầu, bà con cũng có thể trồng xen chanh dây để tạo bóng mát, tận dụng đất, tiết kiệm chi phí về phân, nước tưới…, giúp tăng nguồn thu cho gia đình”.
Chanh dây được trồng tại hầu hết các tỉnh thuộc khu vực Tây nguyên. Mạng lưới thu mua theo đó cũng trải khắp nên khá thuận lợi cho nông dân trong quá trình tiêu thụ. Theo thống kê, riêng tỉnh Gia Lai hiện có hơn 3.100 ha chanh dây. Năng suất trung bình vụ chanh này khoảng 30 - 40 tấn/ha, sản lượng khoảng 120.000 tấn. Các huyện có diện tích chanh dây nhiều nhất là: Mang Yang, Đăk Đoa, Ia Grai, Đăk Pơ, Chư Prông.
Tại các địa phương có trồng chanh dây, nông dân liên kết với nhau thành tổ, hợp tác xã. Các tổ liên kết ký hợp đồng cung ứng cho các nhà máy chế biến ngay trong tỉnh. Do vậy, dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp song việc tiêu thụ chanh dây vẫn được đảm bảo thông suốt.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai, cho biết: “Hai tháng trở lại đây, chúng tôi thu mua chanh dây của nông dân mỗi ngày từ 100 - 150 tấn. Sản phẩm chanh dây ở Gia Lai hiện có thị trường ổn định, xuất khẩu sang Trung Quốc và các nước châu Âu. Ngoài ra, còn tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trong nước”.
Bình luận (0)