Người dân không nhấp vào đường link gửi qua tin nhắn, kể cả đầu số ngân hàng |
ngọc thắng |
Mất hàng trăm triệu đồng vì tưởng tin nhắn ngân hàng
Giữa tháng 9, Công an Hà Nội nhận được trình báo từ ông T. (sinh năm 1958, trú tại Hoàng Mai) về việc bị lừa đảo tài sản số tiền gần 400 triệu đồng. Theo nội dung trình báo, ông T. nhận được tin nhắn của một số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18/9/2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Ông T. đăng nhập vào đường link trên điện thoại có giao diện giống ngân hàng, một lát sau phát hiện tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng. Lúc này ông T. mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Nhiều người gần đây liên tục nhận được những tin nhắn hiện tên gửi từ đầu số thể hiện thương hiệu ngân hàng với những lời cảnh báo như tài khoản ngân hàng đang giao dịch ở nước ngoài, tài khoản của bạn đang thanh toán cho khoản mua hàng… rồi từ đó yêu cầu đăng nhập vào đường link đính kèm. Chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) cho biết liên tục những ngày gần đây, nhận được tin nhắn từ đầu số tổng đài ACB cảnh báo về phương thức lừa đảo dùng máy phát sóng di động để chèn tin nhắn SMS giả thương hiệu ACB với nội dung yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập, mật khẩu, OTP vào đường link giả mạo có giao diện gần giống web ACB online hoặc ACB Mobile app để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng. Thế nhưng ACB cho biết ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin dưới bất cứ hình thức nào. Tất cả những tin nhắn SMS gửi kèm link yêu cầu nhập username, mật khẩu, OTP đều là giả mạo. Khách hàng có thể bị mất tiền trong tài khoản nếu làm theo. Thế nhưng nhiều người thắc mắc tại sao những tin nhắn lừa đảo này lại nằm chung cùng mục tin nhắn mà trước đó ngân hàng đã chuyển. Khách hàng sẽ không thể phân biệt được tin nào của ngân hàng và tin nào của kẻ lừa đảo.
Sacombank cũng cho hay thời gian gần đây, nhiều người dùng nhận được các tin nhắn, email mạo danh ngân hàng với mục đích dụ dỗ bấm vào những đường link website, từ đó bị đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Các nội dung lừa đảo phổ biển bao gồm yêu cầu xác nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng; tặng tiền, tặng mã trúng thưởng, thông báo khách hàng trúng thưởng; thông báo tài khoản có phát sinh giao dịch bất thường; thông báo khách hàng được phê duyệt cấp tín dụng và yêu cầu chuyển tiền phí thẩm định/mua bảo hiểm khoản vay vào tài khoản chỉ định… Sacombank cảnh báo khách hàng không đăng nhập vào các đường link được gửi từ tin nhắn, kể cả tin nhắn từ đầu số Sacombank.
Ngân hàng đổ lỗi cho nhà mạng
Chiêu thức chèn tin nhắn giả mạo thương hiệu ngân hàng gửi đến điện thoại khách hàng rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng đã xuất hiện từ 2 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo lý giải của giới ngân hàng, công nghệ, khi tài khoản ngân hàng của khách hàng có biến động, ngân hàng sẽ thông báo cho nhà mạng để chuyển tin nhắn đến số điện thoại khách hàng. Những tin nhắn mà khách hàng nhận được từ kẻ lừa đảo không phải do hệ thống ngân hàng chuyển mà kẻ lừa đảo dùng kỹ thuật phát sóng chuyển đến điện thoại khách hàng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết trong trường hợp người dân nhấp vào đường link gửi qua tin nhắn bị mất tiền, ngân hàng rất thông cảm cho khách nhưng yêu cầu ngân hàng bồi thường thì rất khó vì lỗi không phải từ phía ngân hàng. Thời gian qua, Hiệp hội cũng đã liên tục có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về vấn đề này, trong đó có đề nghị Bộ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông làm việc với các tổ chức tín dụng (TCTD) thông qua Hiệp hội Ngân hàng để giải thích rõ việc tính cước phí tin nhắn đối với khách hàng cá nhân và tổ chức. Đồng thời, cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các TCTD và các cơ quan chức năng để ngăn chặn đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các TCTD qua nhà mạng. Hiện nay, các TCTD đang phản ánh rất nhiều về việc các nhà mạng thu phí cước tin nhắn dịch vụ ngân hàng với các mức khác nhau mà không giải thích rõ việc tính cước phí như thế nào, chỉ nêu lý do vì dịch vụ ngân hàng mang tính bảo mật. Tuy nhiên, thực tế xuất hiện nhiều tình trạng lừa đảo qua tin nhắn gửi từ nhà mạng song nhà mạng không chịu trách nhiệm, không giải thích rõ tại sao có thể lợi dụng để lừa đảo. Điều này đã làm ảnh hưởng đến thương hiệu của các TCTD. Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên bị làm phương hại nên cần phải làm cho rõ.
“Trước mắt, chúng tôi gửi văn bản tới cơ quan quản lý sau đó sẽ gửi các cơ quan chức năng để xem xét một cách khách quan. Vừa qua Hiệp hội cũng đã có làm việc với phía công an để có thể hạn chế những vụ việc lừa đảo này, riêng phía các đơn vị viễn thông thì hy vọng sớm làm việc để có giải pháp chứ không để tình trạng lừa đảo tiền của người dân xảy ra như thời gian qua”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho hay.
Công an Hà Nội cũng đã có khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook…) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng như trên. Khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để kiểm tra lại thông tin và phản ánh các tin nhắn giả mạo tới ngân hàng và các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Người dân cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet banking, smartbanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này. Tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho người lạ để tránh mắc bẫy các đối tượng…
Bình luận (0)