Hái na ra tiền triệu mỗi ngày
Những năm gần đây, na là loài cây ăn quả được trồng nhiều tại các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh... Ghi nhận từ các địa phương, năm nay na được mùa, giá có sụt giảm hơn những năm trước nhưng mức giá ổn định giúp các nhà vườn vẫn lãi lớn.
Chia sẻ với Thanh Niên từ thủ phủ trồng na lớn nhất tỉnh Lạng Sơn, ông Triệu Văn Lành (thôn Làng Ngõa, xã Chi Lăng, H.Chi Lăng) cho biết, vườn na của gia đình có 500 cây đang vào đợt chín rộ, dự kiến sản lượng khoảng 4 tấn quả. Giá na được thương lái mua buôn tại vườn theo kích cỡ quả, loại 2 - 3 quả/kg, giá bán buôn tại vườn 50.000/kg; loại 3 - 4 quả/kg, giá 30.000 - 35.000 đồng/kg; còn lại "na choai choai" quả nhỏ có giá 25.000 đồng/kg.
"Nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá na có thấp hơn 5.000 - 10.000 đồng nhưng người dân vẫn có lãi. Năm nay thời tiết thuận lợi, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ tốn hơn 30 triệu. Trong khi doanh thu năm nay ước tính thấp nhất phải trên 150 triệu đồng", ông Lành nói.
H.Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) cũng nổi tiếng với đặc sản na La Hiên, được trồng tại xã La Hiên. Mùa thu hoạch na năm nay, UBND xã La Hiên tiếp tục duy trì tổ chức các chương trình livestream bán na trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội TikTok, Facebook...
Có vườn na rộng 1 ha tại xóm Cây Bòng (xã La Hiên), ông Phan Bá Cương cho biết năm nay thời tiết rất thuận lợi với cây na. Sản lượng na dự kiến đạt 9 tấn, tăng 50% so với năm 2023 nhưng vẫn được giá và tiêu thụ tốt.
Na La Hiên bắt đầu cho thu hoạch từ ngày 20.7. Giá đầu vụ lên tới 65.000 - 70.000 đồng/kg đối với hàng loại 1, chỉ 2 - 3 quả/kg nhưng hiện nay đã giảm mạnh và đang ổn định ở mức giá 40.000 đồng/kg. Còn na loại 2, loại 3 giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Vườn na nhà ông Cương hiện tại mỗi ngày cho thu hoạch từ 300 - 500 kg/ngày, doanh thu dao động từ 8 - 13 triệu/ngày.
"Na La Hiên đang được các thương lái thu mua ngay tại vườn. Dù đầu tháng 8 năm nay mưa nhiều, nhưng mỗi ngày vùng trồng na có hàng chục thương lái từ khắp các tỉnh đánh ô tô đến thu mua. Na được thu hoạch và tiêu thụ ngay trong ngày, không có tình trạng dồn ứ", ông Cương chia sẻ.
Cũng theo ông Cương, so với những năm trước, giá na sụt giảm nhanh, thấp hơn rất nhiều so với đầu vụ nhưng với mức giá ổn định như hiện nay thì các nhà vườn vẫn "thắng lớn". Chi phí đầu tư mỗi vụ cho 1 ha trồng na chỉ khoảng 30 - 40 triệu đồng, trong khi doanh thu cả vụ lên tới hàng trăm triệu đồng.
"Vào mùa vụ thu hoạch, mỗi ngày hái na, vườn nào ít cũng có doanh thu một vài triệu, vườn nhiều lên tới cả chục triệu đồng. Như vườn nhà tôi năm nay chi phí sản xuất chỉ 30 triệu nhưng hiện giờ đã thu về hơn 130 triệu đồng, trong khi na trên cây vẫn còn khoảng 3 tấn", ông Cương vui vẻ nói.
Nâng chất lượng, hút khách du lịch
Trao đổi với Thanh Niên, ông Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng (H.Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), cho hay toàn xã có 435 ha trồng na, dự kiến sản lượng khoảng 4.400 tấn. Giá na đầu vụ từ 50.000 - 80.000 đồng/kg nhưng chỉ duy trì ổn định trong khoảng hơn 1 tuần, từ sau ngày rằm tháng 6 trở đi thì bắt đầu sụt nhanh.
"Nguyên nhân chủ yếu là na Chi Lăng trùng với mùa vụ thu hoạch na được trồng ở nhiều tỉnh như Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh... Nguồn cung nhiều và giá na ở các địa phương cũng thấp hơn nên đã kéo giá na Chi Lăng giảm xuống nhưng với mức giá này nông dân vẫn có lãi, thu nhập cao", ông Hậu thông tin.
Để nâng cao giá trị cho cây na, theo ông Hậu, địa phương đã vận động người dân tập trung đầu tư vào kỹ thuật canh tác, nâng cao chất lượng để đạt chứng nhận VietGap. "Toàn xã hiện có 142/435 ha trồng na đạt chứng nhận VietGap. Giá bán na từ các vườn này luôn cao hơn thị trường và có hợp đồng thu mua ngay từ đầu vụ. Nông dân không lo lắng về đầu ra tiêu thụ. Chúng tôi vận động người dân không mở rộng diện tích mà tập trung vào kỹ thuật chăm sóc cho quả na có chất lượng cao nhất thì sẽ bán được giá cao", ông Hậu nói.
Ông Tầm Văn Cử, Chủ tịch UBND xã La Hiên (H.Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), phản ánh nhiều hộ gia đình ở địa phương này đã giàu lên, đổi đời từ cây na. H.Võ Nhai có hơn 700 ha trồng na thì có 320 ha nằm tại xã La Hiên. Mùa vụ năm 2023, cây na đã mang lại cho nông dân nguồn thu hơn 90 tỉ đồng. Đặc biệt, cây na, vườn na ở La Hiên bây giờ đang được xây dựng thành điểm đến du lịch trải nghiệm trong mùa na chín.
Đặc biệt, những năm gần đây, UBND H.Võ Nhai đầu tư mạnh cho khâu xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ cho quả na ở địa phương này. Bắt đầu từ năm 2023, UBND H.Võ Nhai tổ chức các phiên livestream quảng bá, bán na trên các nền tảng mạng xã hội TikTok, Facebook; tổ chức lễ hội mùa na chín hàng năm... đã thu hút rất đông khách du lịch đến địa phương này.
Trong ngày 2.8, phiên livestream giới thiệu, bán na trên các nền tảng xã hội được tổ chức ngay tại vườn na ở xóm Xuân Hòa (xã La Hiên) đã thu hút 6 triệu lượt xem, bán thành công 4,7 tấn na qua các nền tảng trực tuyến.
Bà Nông Thị Ngọc Ánh, chủ vườn na ở xóm Xuân Hòa, cho biết trong khoảng 4 năm trở lại đây, các hoạt động xúc tiến thương lái, lễ hội mùa na chín, gần đây nhất là các hoạt động quảng bá, bán na qua livestream đã giúp nông dân tiêu thụ na thuận lợi hơn.
"Cứ sau mỗi năm địa phương tổ chức các hoạt động giới thiệu quảng bá, số lượng thương lái đến thu mua na lại đông hơn. Họ đến khảo sát, xuống tận vườn thu mua không phải mang ra ngoài đường bán như trước nữa", bà Ánh nói.
Thông tin thêm, ông Cử nói, để xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho cây na, địa phương xác định ổn định diện tích trồng na, vận động và hỗ trợ người dân cải tạo, làm đẹp vườn trồng nhằm thu hút khách du lịch, để mùa thu hoạch na trở thành sản phẩm du lịch, điểm hẹn của khách đến tham quan, trải nghiệm giúp nông dân tiêu thụ na tại vườn.
Ghi nhận từ các địa phương, những năm gần đây, diện tích trồng na ở các địa phương tăng nhanh tập trung tại Lạng Sơn với hơn 4.000 ha, Bắc Giang hơn 1.280 ha, Sơn La khoảng 970 ha, Quảng Ninh hơn 1.220 ha, Hải Dương gần 1.000 ha.
Ngoài ra, TP.Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Lào Cai đều có những vùng trồng na tập trung với diện tích mỗi địa phương vài trăm ha. Trước dịch Covid-19, na trồng tại Lạng Sơn, Bắc Giang… từng được xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhưng sau dịch Covid-19 đến nay, na chủ yếu được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), mới đây đã khởi động việc điều tra, khảo sát tình hình sinh vật gây hại trên cây na để xây dựng hồ sơ kỹ thuật phục vụ mở cửa thị trường xuất khẩu cho loại trái cây này. "Căn cứ kết quả khảo sát, đơn vị chuyên môn sẽ so sánh với danh mục đối tượng của Trung Quốc để có biện pháp quản lý phù hợp trong đề xuất mở cửa thị trường xuất khẩu na sang thị trường này", ông Hiếu nói.
Bình luận (0)