Giả số điện thoại công an để lừa đảo

Thanh Xuân
Thanh Xuân
01/11/2019 10:42 GMT+7

Tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền qua giao dịch điện tử đang ngày càng tinh vi hơn.

Điện thoại “ảo”

Vào cuối tháng 9, ông N.L.Đ đến Ngân hàng TMCP Công thương VN trên địa bàn Q.2, TP.HCM yêu cầu mở 1 tài khoản thanh toán, có đăng ký dịch vụ Internet Banking và chuyển toàn bộ 740 triệu đồng trong sổ tiết kiệm vào tài khoản. Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, thường xuyên ra ngoài nghe điện thoại nên nhân viên ngân hàng nghi hoặc có điều gì khuất tất bên trong. Sau khi được trấn an và động viên, ông Đ. cho biết đã nhận được nhiều cuộc gọi từ một người lạ xưng danh là công an. Họ yêu cầu chuyển hết số tiền tiết kiệm vào tài khoản chỉ định để Bộ Công an điều tra, xác minh do ông có liên quan đến hoạt động phạm tội rửa tiền xuyên quốc gia. Nhân viên ngân hàng đã đề nghị ông Đ. trình báo cho cơ quan công an vụ việc trên.
Thủ đoạn lừa đảo trên được cảnh báo từ nhiều năm nay nhưng gần đây xuất hiện thêm hình thức tinh vi hơn. Vào đầu tháng 10, một số người dân tại TP.HCM nhận được cuộc điện thoại tự xưng là công an và thông báo người này có liên quan đến vụ án, yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin. Sau khi cúp máy, một số người dân kiểm tra điện lại số điện thoại thì đúng là số của cơ quan công an nhưng phía cơ quan công an xác nhận không có liên hệ hay thông báo gì qua điện thoại.
Công an TP.HCM mới đây đã đưa ra cảnh báo thủ đoạn tội phạm sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP) giả số điện thoại cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng xấu dùng ứng dụng công nghệ phần mềm công nghệ cao Voice over IP (cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình…) thực hiện các cuộc gọi đến có số điện thoại hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận các số giống với số trực ban công an… Sau đó tự xưng cán bộ công an (tự xưng cán bộ Công an quận 1 hoặc cán bộ Cảnh sát hình sự Công an thành phố…) đe dọa, tống tiền nhân dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến. 
Theo Ngân hàng TMCP Kỹ thương VN (Techcombank), gần đây nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao có khả năng cài đặt số điện thoại “ảo”, khiến cho điện thoại của nạn nhân hiện ra số điện thoại của ngành công an hoặc tòa án. Người dân tra lại số đúng với thực tế, nên tin đây là cuộc gọi thực sự từ cơ quan chức năng, và cung cấp mật khẩu, OTP cho kẻ lừa đảo. Một số kẻ gian thậm chí lập số điện thoại gần giống hotline của ngân hàng. Khi khách hàng gọi tới, chúng cho chuyển hướng cuộc gọi đến tổng đài chính thức của ngân hàng, theo dõi cuộc gọi và lấy dữ liệu thông tin khách hàng để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản. Phía Techcombank nhận định các đối tượng lừa đảo liên tục thay đổi các hình thức tinh vi hơn khiến nhiều khách hàng vô tình trở thành nạn nhân.
Đầu tiên, những kẻ lừa đảo sẽ thu thập các thông tin của khách hàng như thông tin cá nhân (tên, số điện thoại, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, địa chỉ email….) tới các thông tin về thẻ tín dụng (số thẻ, số CVV, hạn sử dụng), thông tin về tài khoản (username, mật khẩu, số dư, lịch sử giao dịch…) bằng nhiều cách khác nhau. Tội phạm lừa đảo đang nhắm vào những người bán hàng online và trở thành nạn nhân do họ thường đăng tải và tiết lộ các giao dịch, số tài khoản ngân hàng của mình lên trên Facebook.
Sau khi đã có một số các thông tin, kẻ gian sẽ giả danh nhân viên ngân hàng, tổng đài của ngân hàng, hoặc cơ quan chức năng… để liên hệ với khách hàng qua điện thoại hoặc tin nhắn. Với thông tin đã có từ trước, kẻ gian dễ dàng chiếm lòng tin của khách hàng và khai thác thông tin nhạy cảm như mã số OTP. Khi đã có các thông tin bảo mật do khách hàng cung cấp, kẻ gian chiếm đoạt tài khoản và lập tức rút hết tiền trong tài khoản.

Cảnh giác với những cuộc gọi lạ xưng danh công an, viện kiểm sát…

Công an TP.HCM cảnh báo người dân cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể họ là ai, sử dụng tiền vào mục đích gì, không có giấy tờ từ cơ quan chức năng chứng minh mục đích, nội dung làm việc cụ thể.
Để tránh bị lừa đảo qua giao dịch điện tử, Techcombank khuyến cáo khách hàng cần tuyệt đối không cung cấp bất cứ thông tin nào liên quan đến tài khoản, đặc biệt OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là công an, cơ quan điều tra, nhân viên ngân hàng…; không cài đặt các phầm mềm Crack, can thiệp vào thiết bị, hệ điều hành; không nhập mật khẩu đăng nhập, mã OTP trên các trang mạng không rõ nguồn gốc, hoặc đường link lạ; không thực hiện giao dịch trên các thiết bị công cộng, tiềm ẩn rủi ro cao, hay lưu thông tin tự động đăng nhập ngân hàng điện tử tại bất kỳ đâu; không cung cấp thông tin, đưa thông tin giao dịch lên mạng, đặc biệt là những giao dịch bán hàng online, vì sẽ tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.