Nhập khẩu để trữ nguồn cung
Dự báo từ Trung Quốc cho thấy, quốc gia này có thể nhập khẩu 4,6 triệu tấn thịt heo trong năm 2020. Với Việt Nam, hai bộ Công thương và NN-PTNT mới đây đã “bắt tay” tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp nhập khẩu 200.000 tấn thịt heo phục vụ tết.
Số liệu từ Sở Công thương TP.HCM, tính đến giữa tháng 12, lượng thịt nhập khẩu về TP hơn 13.000 tấn, tăng hơn 7.000 tấn (tương đương mức tăng 120%) so cùng kỳ. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ các nước Brazil, Ba Lan, Canada, Mỹ, Đức, Úc và Đan Mạch. Theo Sở Công thương TP.HCM, lượng thịt nhập tăng mạnh chủ yếu do giá nhập khẩu tương đương 70% giá thịt heo trong nước. Trong thời gian tới, TP.HCM cũng tính phương án nhập khẩu thịt để đáp ứng nguồn cung thiếu hụt.
Ông Đoàn Ngọc Thơ, Giám đốc Công ty THO Group (chuyên nhập khẩu thịt các loại), cho biết thị trường nhập khẩu thịt heo của Việt Nam tập trung chủ yếu từ Mỹ, Brazil, Ba Lan, Đức. Tuy nhiên, do Ba Lan trong năm qua có một số vùng bị dính dịch tả heo châu Phi nên nhà nhập khẩu hạn chế nhập. Giá nhập khẩu thịt heo từ 4 - 5 tháng trước trung bình chưa tới 2 USD/kg, cộng thêm 25% thuế nhập nữa, giá thành chưa tới 60.000 đồng/kg, bán ra thị trường mức thấp nhất 80.000 đồng/kg đã có lãi.
Một bảng báo giá thịt nhập của một công ty Hàn Quốc, nhập khẩu thịt và bán tại TP.HCM cho thấy, toàn bộ giá thịt nhập từ Brazil và Canada được bán ra thấp hơn giá thịt bán lẻ trong nước từ 20 - 50%. Ví dụ như, giá nạc đùi heo Brazil chỉ 132.600 đồng/kg, trong khi giá cùng loại này của heo trong nước bán tại siêu thị là 150.000 đồng/kg...
So sánh mức giá heo nhập và heo bán lẻ trên thị trường để cho thấy, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đang chiếm ưu thế về giá trên thị trường.
Muốn nhập không còn dễ
Tuy nhiên, theo một số nhà nhập khẩu, thịt heo đông lạnh bán giá rẻ lúc này sợ là hàng cận “đát” bởi giá thực tế đã cao hơn nhiều. Ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết đến giờ này không thể nhập khẩu thịt kịp bán tết. Bởi một lô hàng thịt đông lạnh nhập khẩu thường mất tới 3 tháng (90 ngày). Hơn nữa, hiện giá thịt đã lên cao, giá thịt thấp 1 - 2 USD/kg chỉ là hàng cận “đát”, không ai nhập loại đó nữa. Hiện các đơn hàng nhập khẩu đã chốt từ vài tháng trước và hàng đang lần lượt cập cảng chở về kho trữ bán tết. Ông Dũng cũng cho biết công ty chuẩn bị khoảng 3.000 tấn thịt nhập để phục vụ tết.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Ngọc Thơ nói thẳng hiện không có thịt để nhập nữa, cho dù ý chí của chúng ta là muốn nhập khẩu.
“Trung Quốc bị đánh thuế nhập khẩu từ Mỹ, nên tranh thủ mua gom hết thịt từ châu Âu, Brazil… Đó là lý do tại sao các nhà nhập khẩu thịt không thể mua thịt từ các nước châu Âu nữa”, ông Thơ thông tin và cho rằng Trung Quốc giảm thuế từ 12% về 8% có thể với mục đích “vét” luôn nguồn thịt từ Brazil, Canada..., những thị trường có nguồn cung thịt heo lớn trên thế giới. Một bảng báo giá CIF (hàng nhập về cảng) của một nhà xuất khẩu thịt từ châu Mỹ báo cho 3 thị trường Hồng Kông, Bangkok (Thái Lan) và Việt Nam vào cuối tháng 11 cho thấy, giá thịt đông lạnh về cảng từ 1,37 - 6,49 USD/kg, phổ biến là từ 3,8 - 3,9 USD/kg.
“Các nhà cung cấp ở châu Âu chào hàng xương, thịt vai heo trong khi mặt hàng công ty cần nhập là thịt nạc, đùi, bụng... lại không có. Nếu có, giá cao hơn gấp đôi. Trước đây 2 USD/kg, nay 4,3 USD/kg. Nếu cộng các loại thuế, chi phí khác thì khi về đến cảng ở Việt Nam giá lên đến 120.000 đồng/kg. Giá vốn đã 120.000 đồng/kg thì bán ra phải 150.000 đồng/kg, ai mua thịt đông lạnh với mức giá đó. Trong khi mức giá bán trên thị trường trung bình như thấy chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg”, ông Thơ nói.
Theo biểu thuế của Phòng Thuế xuất nhập khẩu Cục Hải quan TP.HCM cung cấp, mức thuế suất nhập khẩu heo đông lạnh nguyên con hoặc nửa con, thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh là 25%. Mới đây, Bộ Tài chính có dự kiến giảm mức này về 22%. Tuy nhiên, đại diện công ty chuyên cung cấp thịt heo sạch TB. Feed cho biết công ty đang tính toán nhập khẩu thịt về bán trong năm tới. Song mức thuế nhập khẩu cao khiến công ty chần chừ bởi hàng mới thường có giá rất cao, thêm thuế cao nữa, nhập về không cạnh tranh nổi.
Theo ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu Sở Công thương TP.HCM, chính sách thuế có thể giảm theo lộ trình đối với nước trong Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong trường hợp ứng phó tình hình thực tế, có thể giảm ngắn hạn theo kế hoạch rõ ràng để doanh nghiệp thực hiện.
|
Bình luận