Theo CNN, anh Alejandro, 24 tuổi, nhân viên hãng luật tại Maracaibo (Venezuela), cho hay: “Giá cả thực sự rất, rất cao… mọi người sốc vì giá tăng”. Thực tế mới nhất tại quốc gia Nam Mỹ đang chìm trong khủng hoảng là việc thực phẩm chỉ trong tầm mắt mà ngoài tầm với của người dân.
Để giảm bớt thực trạng thiếu hụt, chính phủ Venezuela âm thầm dừng thực hiện một số biện pháp kiểm soát giá cả tại những vùng giáp biên giới Colombia và Brazil của Venezuela, nơi thức ăn được vận chuyển đến. Không dễ gì để các doanh nghiệp Venezuela mang hàng hóa cơ bản từ nước khác về, vì dù giá mua là bao nhiêu, họ bị buộc phải phân phối với mức giá cực thấp tồn tại nhiều năm qua.
Hiện giờ, các nhà nhập khẩu thực phẩm có thể cung cấp các mặt hàng cơ bản như trứng, sữa và bột mì - những thứ từng rất khan hiếm trên kệ hàng - với mức giá không được kiểm soát. Đây là lý do các siêu thị hiện có nhiều thức ăn hơn so với những tháng trước.
Tuy vậy, giá cả được kiểm soát của Venezuela khác xa giá thị trường. Người Venezuela nói rằng họ thấy giá tăng đáng kinh ngạc khi lạm phát đi lên theo cấp số nhân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát của Venezuela là 475% trong năm nay.
Đơn cử, món ăn phổ biến nhất ở đất nước Mỹ La tinh là arepa, hay bánh hot dog Venezuela. Món này làm từ bột ngô và giá thành chính phủ đặt ra là 190 bolivar, tương đương 16 cent, cho túi gần một ký. Ở siêu thị, bột ngô sản xuất tại Venezuela có giá 975 bolivar, bột ngô nhập khẩu có giá 1.850 bolivar.
tin liên quan
Nhật ký 'săn' thức ăn ở nước chìm trong khủng hoảng VenezuelaBài viết này là sơ lược nhật ký của phóng viên hãng tin Bloomberg ở Venezuela, cô Fabiola Zerpa. Cô ghi lại 30 ngày nỗ lực tìm thức ăn cho gia đình trung lưu của mình tại đất nước ngập trong khủng hoảng.
|
Ngay cả khi giá cao ngất, mặt hàng này không phải lúc nào cũng sẵn có. Đó là khi thị trường chợ đen vào cuộc, nơi những người bán dạo thức ăn không chính thức bán một túi bột ngô tương tự với giá 3.500 bolivar, tương đương 3 USD.
“Giá của tất cả mọi thứ đều tăng vọt. Ở đây chẳng có chất lượng cuộc sống”, anh Simon, 25 tuổi, nói tại thủ đô Caracas. Anh kiếm được gần 96.000 bolivar/tháng trong cảnh tỷ giá ngày càng lên cao. Con số trên tương đương với 80 USD/tháng. Vì đồng lương eo hẹp, cả tháng nay Simon không ăn thịt. “Không phải vì chúng tôi không tìm thấy thịt, mà vì nó rất đắt”, anh nói. Hiện anh sống với mẹ mình là bà Carmen trong một khu phố trung lưu.
Giá một tá trứng tại vài siêu thị ở Caracas là 1.800 bolivar, tương đương 1,5 USD. Một năm trước, giá cả là 500 bolivar, tương đương 0,4 USD. Chính phủ định giá một lít sữa vào khoảng 350 bolivar, song hiện nó được bán ở mức 970 bolivar tại một số cửa hàng.
Cảnh thiếu hụt tác động mạnh đến tầng lớp trung lưu Venezuela. Simon và Carmen không xài giấy vệ sinh hồi tháng 7 vừa rồi và nhiều lần họ không có trứng, sữa hay phô mai. Tháng 9, bà Carmen bay đến New York (Mỹ) để thăm con gái và mua nhiều vật dụng cơ bản như giấy vệ sinh.
Cả Simon và Alejandro đều cho hay họ là những người Venezuela may mắn vì vẫn sống mà không có nhiều mặt hàng cơ bản. Với những người Venezuela nghèo nhất, họ nhận được lương tối thiểu (bao gồm cả tem phiếu thực phẩm) là 65.000 bolivar, tương đương 54 USD, mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc một túi bột ngô hay chỉ 12 quả trứng có thể chiếm đến 8% đồng lương hằng tháng.
Sự thiếu chắc chắn khiến dân Venezuela thất vọng. Hiện nhiều người không rõ liệu chính phủ sẽ tiếp tục “làm ngơ” hay bước vào thực hiện kiểm soát giá cả. Lúc này, cả chính phủ lẫn người dân Venezuela đều không có nhiều lựa chọn tốt.
tin liên quan
Cỗ máy kiếm tiền lớn nhất của Venezuela cảnh báo vỡ nợHãng dầu nhà nước Venezuela PDVSA - cỗ máy kiếm tiền mặt lớn nhất của quốc gia Nam Mỹ - đang cảnh báo họ có thể vỡ nợ trái phiếu vào tuần tới.
Bình luận (0)