Giá trị truyền thống quý giá cho thế hệ trẻ

Lê Thanh
Lê Thanh
30/01/2018 08:53 GMT+7

Chiều 29.1, tọa đàm 'Vai trò của học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968' đã được diễn ra. Chương trình do Thành đoàn TP.HCM tổ chức.

Tọa đàm dưới sự chủ trì của Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên VN Lê Quốc Phong. Đồng chủ trì và tham dự tọa đàm còn có Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương; nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực; Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn; nhiều cán bộ lão thành cách mạng và hơn 200 đoàn viên, thanh niên TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Tại buổi tọa đàm, thượng tá Dương Kim Tần, Trưởng ban Thanh niên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, nhấn mạnh: “Lịch sử là một dòng chảy liên tục kết nối nhiều thế hệ. Thế hệ các bạn trẻ hôm nay được hưởng thành quả cách mạng của cha ông đi trước, vì thế trách nhiệm của họ không hề nhỏ. Trong thời kỳ phát triển mới, đòi hỏi thế hệ trẻ cần phải nâng cao năng lực, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Theo thượng tá Tần, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 mãi mãi là trang sử oanh liệt của quân và dân ta. Thắng lợi nào, dù lớn hay nhỏ, cũng phải trả giá bằng xương máu, bằng sự hy sinh.
“Bổn phận của thanh niên hôm nay phải sống có lý tưởng, có ý chí vươn lên, có hoài bão lớn lao, cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc. Đó là, phải ra sức rèn đức, rèn sức, rèn trí vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng đất nước VN có vị trí xứng đáng trong cộng đồng quốc tế”, thượng tá Tần nói.
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thượng tá Dương Kim Tần chỉ ra: “Cần tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình, bằng cách phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, tinh thần tình nguyện; khơi dậy tiềm năng to lớn, lòng nhiệt huyết của các tầng lớp thanh niên”.
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phạm Hồng Sơn cho rằng: “Tọa đàm này là dịp để thanh niên hướng về truyền thống, hiểu rõ ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Thông qua chương trình này, thế hệ thanh niên hôm nay xem đó là hành trang không thể thiếu, là cơ sở để khẳng định vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với toàn dân góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước toàn diện và bền vững. Và quan trọng hơn là phải thể hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực đóng góp xây dựng đất nước, làm cho các giá trị tốt đẹp của truyền thống được kế tục và nhân lên trong lòng của giới trẻ hôm nay và mai sau”.
Đóng góp ý kiến của mình, chị Nguyễn Thị Diễm Trinh, Phó bí thư Tỉnh đoàn Bình Dương, cho biết: “Kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, Đoàn tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống, đẩy mạnh các phong trào hành động trong thanh niên bằng những đề án, các công trình, phần việc thiết thực như: đề án Đoàn kết tập hợp thanh niên công nhân, đề án Nâng cao nhận thức pháp luật cho thanh niên, đề án Văn phòng tư vấn, hỗ trợ phát triển thanh niên…”.
Chị Diễm Trinh khẳng định: “Thế hệ trẻ Bình Dương hôm nay sẽ luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, lao động không mệt mỏi, sáng tạo trên mọi lĩnh vực”.
Nguyên Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Chánh Trực nói: “Kỷ niệm 50 năm Xuân Mậu Thân năm 1968 có in đậm dấu ấn vai trò của học sinh, sinh viên, trí thức trẻ miền Nam trong trái tim và tâm hồn của mỗi chúng ta hôm nay”.
Kết luận buổi tọa đàm, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nêu cảm nhận: “Hôm nay bản thân tôi và các bạn trẻ đã thu hoạch được nhiều điều quý giá từ các cô chú đã sống trong thời kỳ ấy kể lại những câu chuyện rất cảm động, đáng tự hào về cuộc đấu tranh của dân tộc. Những bài học ấy, tôi cho rằng nó sẽ là hành trang, lẽ sống rất quý giá mà mỗi bạn trẻ hiện nay cần gìn giữ, bồi đắp cho bản thân mình có được điểm tựa vững vàng, tâm thế mạnh mẽ như thế hệ cha anh năm xưa, đồng thời làm sự tiếp nối để hội nhập với thế giới, làm cho đất nước VN ngày một tốt đẹp hơn”.
Đoàn công tác T.Ư Đoàn thăm căn cứ bí mật trận Mậu Thân 1968 giữa Sài Gòn
Sáng 29.1, anh Lê Quốc Phong cùng đoàn công tác đã đến thăm di tích hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại TP.HCM (tọa lạc tại số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Tại đây, đoàn đã dâng hương lên bậc tiền nhân đã có công gầy dựng và duy trì cơ sở chiến lược này, góp phần đắc lực vào thành công của chiến dịch lịch sử.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm hỏi gia đình, dâng hương liệt sĩ Hồ Hảo Hớn (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Bí thư Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.