Giá USD trượt giảm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
10/08/2024 06:23 GMT+7

Từ đầu tháng 8 đến nay, giá USD liên tục giảm. Tuy nhiên áp lực tỷ giá cuối năm vẫn còn hiện hữu.

Tỷ giá hạ nhiệt

Ngày 9.8, các ngân hàng (NH) thương mại giảm mạnh giá USD 40 đồng so với ngày trước đó. Vietcombank mua vào xuống còn 24.910 - 24.940 đồng, bán ra 25.280 đồng. Giá mua USD tại ACB xuống còn 24.920 - 24.950 đồng, bán ra 25.280 đồng… So với đầu tháng 8, giá đồng bạc xanh giảm 110 đồng, tương ứng đi xuống 0,43% và giảm 220 đồng so với hồi tháng 4 - 5, tương ứng mức đi xuống 0,86%. Hơn 1 tháng nay, tỷ giá trong NH ngày càng xa mức kịch trần (ngày 9.8, giá bán USD của NH thấp hơn kịch trần 200 đồng). Không những vậy, giá USD trên thị trường liên NH cũng giảm sâu. Ngày 9.8, tỷ giá giao dịch giữa các nhà băng giảm 30 đồng, xuống khoảng 25.110 đồng/USD. Mức này thấp hơn giá bán ra của Sở Giao dịch NH Nhà nước (NHNN) 340 đồng, ở mức 25.450 đồng/USD.

Giá USD trượt giảm- Ảnh 1.

Giá USD giảm mạnh trong thời gian qua nhưng vẫn còn áp lực tăng

Ảnh: Ngọc Thắng

Giá đồng bạc xanh trên thị trường tự do cũng giảm không phanh. Trong ngày 9.8, giá USD đã đi xuống thêm 30 đồng/USD, nâng mức giảm trong ngày lên 150 đồng, giá mua vào còn 25.550 đồng, bán ra 25.630 đồng. So với mức kỷ lục đạt được hồi cuối tháng 5, giá đồng tiền của Mỹ hiện nay đã giảm khoảng 400 đồng, tương ứng mức đi xuống 1,53%.

Theo giới kinh doanh ngoại tệ của NH, áp lực tỷ giá đã giảm trong những tuần gần đây. Trên thị trường liên NH, chênh lệch lãi suất (LS) USD và tiền đồng rất thấp, từ 0,1 - 0,5%/năm (trước đó có thời điểm chênh lệch lên đến 1 - 3%/năm). LS tiền đồng ở các kỳ hạn dao động từ 4,65 - 5,74%/năm, trong khi LS USD dao động từ 5,3 - 5,8%/năm. LS tiền đồng cao đã hạn chế tình trạng găm giữ USD trong NH. Điều này làm giảm áp lực lên giá USD. Đại diện Công ty CP chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong tháng 7, tỷ giá USD/VND hạ nhiệt ở cả hai thị trường chính thức và phi chính thức. Cụ thể, tỷ giá trên thị trường liên NH giảm nhẹ 0,4% so với cuối tháng trước, trong khi tỷ giá thị trường tự do giảm từ mức cao kỷ lục 26.030 đồng/USD. Trong tháng qua, NHNN chỉ bán USD can thiệp một vài ngày đầu tháng với quy mô nhỏ. Điều này cho thấy áp lực cung - cầu ngoại tệ trong ngắn hạn là không cao.

NHNN nhận định tỷ giá chịu sức ép từ đầu năm đến nay do thị trường dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn hạ LS điều hành, giá USD quốc tế tăng và duy trì ở mức cao; chênh lệch LS giữa tiền đồng và USD trên thị trường liên NH tiếp tục duy trì âm; đồng thời nhu cầu ngoại tệ đầu năm tương đối lớn phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu. Trước tình hình đó, NHNN đã điều hành chính sách tỷ giá một cách linh hoạt. Đồng thời phát hành tín phiếu nhằm điều tiết lượng tiền đồng dư thừa, góp phần giảm bớt mức chênh lệch LS âm giữa VND và USD, hạn chế áp lực gia tăng lên tỷ giá. 

Từ ngày 19.4, NHNN thực hiện việc bán ngoại tệ cho các NH ở mức giá 24.450 đồng/USD để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ cho nền kinh tế, bình ổn tâm lý thị trường, góp phần ổn định thị trường ngoại tệ, kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Thị trường hiện đã ổn định và tỷ giá có xu hướng giảm trong một số giai đoạn. Tính đến cuối tháng 7, tỷ giá tăng khoảng 4,44% so với cuối năm 2023, mức mất giá này phù hợp với xu hướng quốc tế và ở mức trung bình so với các đồng tiền trong khu vực và trên thế giới.

USD còn nhiều áp lực tăng

Dù vậy, áp lực tỷ giá trong những tháng cuối năm vẫn không hề nhỏ. VDSC cho rằng diễn biến giá USD có thể chịu ảnh hưởng bởi diễn biến chính trường Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống đến gần. Đồng thời, một số thông tin cần tiếp tục theo dõi gồm những động lực chính khác đối với đồng tiền này như triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, chênh lệch lợi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế khác cũng như vai trò trú ẩn của USD trước các rủi ro địa chính trị thế giới. Việc nền kinh tế Mỹ đạt được kịch bản hạ cánh mềm, chu kỳ nới lỏng tiền tệ khiêm tốn của Fed và rủi ro địa chính trị gia tăng sẽ là tác nhân củng cố sức mạnh của USD. 

Ngược lại, với triển vọng suy thoái của nền kinh tế Mỹ, Fed đưa ra tín hiệu nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn và rủi ro địa chính trị được kiểm soát sẽ khiến đồng USD yếu hơn. Kịch bản sức mạnh của USD quốc tế được duy trì sẽ là thử thách đối với việc điều hành tỷ giá của NHNN trong nửa cuối năm 2024. Đối với thị trường trong nước, một số áp lực về cung - cầu ngoại tệ gồm nhu cầu USD thường tăng vào giai đoạn cuối quý 3, đầu quý 4 do nhu cầu nhập khẩu máy móc, nguyên liệu phục vụ cho đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Quy mô của khoản mục lỗi và sai sót trong cán cân thanh toán tổng thể, vốn hay đi cùng với áp lực tỷ giá cũng thường tăng mạnh vào quý 3.

Áp lực về nhu cầu ngoại tệ không phải lúc nào cũng đi cùng với sự sụt giảm trong dự trữ ngoại hối, trừ trường hợp đột biến như trong năm 2022. Từ đầu quý 3 đến nay, chỉ số USD có chiều hướng đi xuống do những chỉ báo kém khả quan của hoạt động kinh tế tại Mỹ. Cùng với đó, tỷ giá USD/VND đã giảm nhẹ, tỷ giá trên thị trường liên NH đã giảm, đưa mức mất giá của tiền đồng về 4,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, dựa trên triển vọng đồng USD duy trì sức mạnh tương đối và áp lực về cầu ngoại tệ trở lại, VDSC cho rằng con đường ổn định tỷ giá có thể sẽ còn một nhịp gập ghềnh phía trước. Kịch bản cơ sở đối với tỷ giá USD/VND thị trường liên NH có thể tăng lên 25.500 đồng/USD và giảm trở lại còn 25.300 đồng/USD vào cuối năm. Kịch bản lạc quan hơn xảy ra với điều kiện hai áp lực kể trên đều được kiểm soát, khi đó, tỷ giá có thể giảm về mức 25.000 đồng/USD vào cuối năm.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết tỷ giá giảm trong thời gian qua là phù hợp với diễn biến thị trường. Trước đó, VN nhập siêu, mà chủ yếu là nguyên vật liệu nên cần ngoại tệ thanh toán, dẫn đến giá USD tăng. Nay các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nên thu USD về. Cán cân thương mại trong 7 tháng năm 2024 nhập siêu hơn 14 tỉ USD. Tuy nhiên, tình hình này cũng khó kéo dài được lâu vì vài tháng tới, nhu cầu ngoại tệ dự báo sẽ tăng trở lại do nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng vào thời điểm cuối năm. Sẽ có 2 đợt sóng tỷ giá vào tháng 9 và tháng 11 - 12. Việc Fed giảm LS USD trong những tháng cuối năm chỉ có thể tác động đến tâm lý thị trường trong nước. Bởi khả năng Fed giảm mỗi lần khoảng 0,25%, không đáng kể nên thường sẽ có độ trễ khoảng 3 tháng mới có thể tác động đến thị trường trong nước. LS USD trên thị trường quốc tế giảm sẽ tạo dư địa cho LS tiền đồng giảm. 

Vào những tháng cuối năm, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.