Sáng 16.4, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC được mua vào 66,3 triệu đồng/lượng, bán ra 67 triệu đồng. So với cuối tuần trước, vàng miếng SJC giảm 100.000 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Chênh lệch giữa giá mua bán vàng SJC duy trì ở mức 700.000 đồng như cuối tuần qua. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 của SJC giữ nguyên chiều mua vào so với cuối tuần trước ở mức 55,55 triệu đồng/lượng, nhưng chiều bán ra tăng thêm 110.000 đồng, lên 56,55 triệu đồng.
Giá vàng quốc tế trong tuần tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 1 năm qua khi đạt 2.042,8 USD/ounce. Tuy nhiên, trong phiên cuối tuần, kim loại quý đã quay đầu hạ nhiệt, xuống còn 2.005 USD/ounce. Đà giảm của vàng được cho là do các nhà đầu tư chốt lời sau khi kim loại quý tăng vọt trong phiên trước nhờ triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 giảm 1%, mức nhiều hơn so với dự báo giảm 0,5% từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Điều đó khiến tác động tiêu cực gây cản trở đà tăng của vàng.
Tuy nhiên, ông Carlo Alberto De Casa, nhà phân tích bên ngoài tại Kinesis Money, nhận định vàng đang trong xu hướng tích cực vững chắc và vùng kháng cự đầu tiên được đặt ở mức 2.070 - 2.075 USD, dao động trong mức cao lịch sử đạt được vào tháng 3.2022.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cùng nhà đầu tư dự báo giá vàng sẽ tiếp tục đi lên trong tuần tới. Cụ thể, cuộc khảo sát của Kitco News với sự tham gia của 23 nhà phân tích Phố Wall thì có 9 người, chiếm 39% nhận định vàng sẽ tăng; có 6 người, tương đương 26% đưa ra ý kiến ngược lại và 8 người khác, tương ứng 35% nghĩ rằng kim loại quý đi ngang.
Riêng cuộc thăm dò trực tuyến Main Street tuần này thu hút 1.347 nhà đầu tư cá nhân tham gia thì có đến 930 người, chiếm 68% nhận định giá vàng tăng; có 278 người khác, tương đương 20% nghĩ rằng vàng sẽ giảm và 156 nhà đầu tư còn lại, tương ứng 11% dự báo kim loại quý sẽ đi ngang.
Bình luận (0)