Giá vàng nhẫn tăng kỷ lục, nên mua hay bán?

Thanh Xuân
Thanh Xuân
05/10/2024 05:44 GMT+7

Sự quay đầu tăng giá của vàng nhẫn lên mức kỷ lục khiến nhiều người cân nhắc có nên "xuống tay" vào thời điểm này.

Giá vàng nhẫn lên mức kỷ lục

Giá vàng nhẫn ngày 4.10 biến động liên tục, lập mức cao kỷ lục mới 83,6 triệu đồng/lượng. Sau khi giảm từ 100.000 - 300.000 đồng/lượng vào đầu ngày, các đơn vị kinh doanh vàng đã nhanh chóng điều chỉnh tăng giá vàng nhẫn sau đó, lên 400.000 - 500.000 đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào lên 82,7 triệu đồng, bán ra 83,6 triệu đồng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 82,68 triệu đồng, bán ra 83,58 triệu đồng; Công ty Phú Quý mua vào 82,7 triệu đồng, bán ra 83,6 triệu đồng… Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC có mức tăng mạnh nhất 500.000 đồng mỗi lượng vàng nhẫn, lên 82 triệu đồng chiều mua vào, bán ra 83,4 triệu đồng.

Trong khi đó, các đơn vị kinh doanh vàng như SJC, PNJ, Doji… mua vàng miếng SJC với giá 82 triệu đồng/lượng, bán ra 84 triệu đồng. Ngoài ra, giá vàng miếng trên thị trường tự do tiếp tục tăng thêm khoảng 500.000 đồng mỗi lượng, chiều mua vào có nơi lên 85,2 triệu đồng, bán ra 86 triệu đồng.

Giá vàng nhẫn tăng kỷ lục, nên mua hay bán?- Ảnh 1.

Giá mua vàng nhẫn vượt vàng miếng SJC

ẢNH: NGỌC THẮNG

Giá vàng trong nước hiện nay đang cao hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng. Giá kim loại quý quốc tế đã tăng trở lại sau đợt điều chỉnh giảm sâu hơn 50 USD/ounce. Chiều 4.10, giá vàng thế giới ở mức 2.662 USD/ounce, tăng 7 USD/ounce so với trước đó. Các nhà đầu tư mua vàng trở lại trước những thông tin khả quan hơn về kinh tế Mỹ và điều này càng củng cố cho kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới. Thêm vào đó, tình hình căng thẳng, xung đột tại khu vực Trung Đông đang hỗ trợ cho giá vàng gần đây.

So với đầu năm, giá vàng nhẫn có tốc độ tăng nhanh nhất 34,7%, với mức tăng tương ứng 21,6 triệu đồng/lượng. Ngược lại, vàng miếng SJC có tốc độ tăng giá thấp hơn khi Ngân hàng Nhà nước kiểm soát giá, chỉ tăng 18,3%, tức 13 triệu đồng/lượng. Đó là chưa kể nếu tính từ mức giá cao kỷ lục đạt được hồi tháng 5 ở mức 92,4 triệu đồng/lượng thì giá vàng miếng SJC hiện nay đang thấp hơn khoảng 8,4 triệu đồng/lượng. Còn giá vàng quốc tế cũng ghi nhận mức tăng cao nhất trong những năm trở lại đây. So với đầu năm, giá kim loại quý quốc tế đã cộng thêm 600 USD/ounce (quy đổi theo tỷ giá ngân hàng khoảng 18 triệu đồng/lượng), tương ứng với mức đi lên 29%.

Biến động vàng ngày 4.10: Giá vàng nhẫn đắt hơn vàng miếng SJC nửa triệu đồng

Trước sức bật của vàng, nhiều người đang nắm giữ vàng hiện nay đắn đo về việc có nên bán chốt lời hay không. Vào những ngày đầu năm, chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) mua khoảng 5 lượng vàng nhẫn 4 số 9 với giá xoay quanh 65 triệu đồng/lượng. Nếu bán ra thời điểm này, mỗi lượng vàng mang về gần 18 triệu đồng tiền lời, tính tổng số lãi thu được là 88,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Hà vẫn băn khoăn, sợ sau khi bán giá tăng thì mua vào không dễ. Thực tế hiện nay giá vàng cao nhưng các đơn vị kinh doanh vàng vẫn không có hàng để bán, tình trạng khan vàng vẫn tiếp diễn khi nguồn nguyên liệu cho thị trường hạn hẹp. Cũng chính vì mua vàng khó, mỗi lần chỉ được mua 1 lượng vàng miếng SJC hoặc 1-2 chỉ vàng nhẫn nên nhiều người vẫn "săn" vàng bất chấp giá cao.

Giá vàng nhẫn đắt hơn vàng miếng

Một chuyện khá hy hữu lại xuất hiện trên thị trường vàng là giá vàng nhẫn mà các công ty mua vào cao hơn vàng miếng SJC khoảng 700.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá bán gần sát vàng miếng SJC, thấp hơn còn 400.000 - 600.000 đồng/lượng thay vì 600.000 đến 1,1 triệu đồng/lượng trước đó. Điều này khiến người mua phân vân lựa chọn giữa vàng miếng SJC hay vàng nhẫn, bởi mua vàng nhẫn thì giá thu vào vẫn cao hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, cho rằng việc giá mua vàng nhẫn cao hơn vàng miếng SJC thỉnh thoảng mới xảy ra. Thị trường vàng miếng SJC đang tồn tại 2 mức giá, các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường tự do. Chẳng hạn như giá mua vàng miếng SJC tự do ngày 4.10 ở mức giá 85,2 triệu đồng/lượng, cao hơn giá của các đơn vị kinh doanh 3,2 triệu đồng/lượng. Sự chênh lệch này sẽ dẫn đến việc người có vàng không bán giá thấp để phải chịu thiệt.

Cũng vì giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước điều tiết còn vàng nhẫn thì biến động theo giá quốc tế dẫn đến giá vàng miếng SJC đang xấp xỉ vàng nhẫn 4 số 9, nên khi mua vàng miếng SJC không được thì có thể chọn vàng nhẫn, giá cũng tương đương. Nhiều dự báo gần đây đưa ra xu hướng giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục tăng, có những dự báo gây sốc về khả năng xuất hiện mức giá 100 triệu đồng/lượng trong thời gian tới. Đó là "mồi" kích thích nhu cầu vàng ở nhiều người. 

Mức giá này theo ông Nguyễn Ngọc Trọng có thể xuất hiện khi vàng thế giới lên 3.000 USD/ounce. Tuy nhiên ông Trọng cảnh báo với mức giá cao kỷ lục của vàng hiện nay, câu hỏi quan trọng là đây có phải là thời điểm khôn ngoan để mua vào chờ giá lên như dự báo hay bán ra chốt lời rồi chờ giá điều chỉnh giảm mua vào

Giá vàng thế giới hiện nay đã tăng gần 30% nên có thể sẽ có bước điều chỉnh trong thời gian tới. Xét về phân tích kỹ thuật, giá vàng có khả năng giảm xuống 2.500 USD/ounce, tương ứng giảm 160 USD/ounce so với mức hiện nay, quy đổi theo giá trong nước vào khoảng 5 triệu đồng/lượng. Còn về phân tích thông tin cơ bản, vàng hiện đang được hậu thuẫn bởi thông tin căng thẳng ở Trung Đông. Thế nhưng vào tháng 11, khi Mỹ kết thúc cuộc bầu cử tổng thống, chính sách của Mỹ về căng thẳng ở Trung Đông cũng như kinh tế có sự thay đổi phụ thuộc vào tân tổng thống. Điều này sẽ tác động đến đường đi của vàng, trường hợp Mỹ thay đổi các chính sách so với hiện nay thì vàng sẽ đi xuống.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo giá vàng thế giới từ nay đến cuối năm và qua năm sau sẽ còn tăng, có thể lên mức 3.000 USD/ounce. Do đó giá vàng trong nước cũng sẽ được hưởng lợi tăng theo. Dù vậy, thị trường vàng trong nước hiện nay tồn tại 2 mức giá khác nhau nên người dân mua bán hết sức rủi ro. Mua trong hệ thống ngân hàng, công ty thì khó khăn còn mua ở thị trường tự do thì rủi ro giá cao, chất lượng vàng, rủi ro pháp luật…Vì thế, cần cân nhắc kỹ khi lao vào vàng lúc này.

Việc giá vàng miếng SJC được kéo từ mức đỉnh 92 triệu đồng/lượng xuống 84 triệu đồng/lượng nhưng nguồn cung chưa đáp ứng được nhu cầu dẫn đến hiện tượng vàng nhẫn được mua nhiều và tăng giá lên cao. Đây là hiện tượng cần xem xét bởi tính thanh khoản của vàng nhẫn không cao. Khi vàng nhẫn được ưa chuộng và thay thế vàng miếng thì rất có thể vàng nhẫn cũng sẽ được quản lý như vàng miếng hiện nay. Khi đó, người mua vàng nhẫn đối diện với rủi ro giá. Vì vậy cần cân nhắc trước khi quyết định đổ tiền vào vàng lúc này.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.