Giải cứu trẻ ăn xin

06/09/2020 06:01 GMT+7

Cộng đồng luôn quan tâm và không ngại hành động mạnh mẽ để giải cứu những đứa trẻ bất hạnh khỏi tay bọn người bất lương chuyên “chăn dắt” trẻ em bắt đi ăn xin kiếm tiền cho chúng.

Nhưng có lẽ có vài điều quan trọng còn bị bỏ sót. 
Theo dõi phóng sự điều tra của Thanh Niên về trường hợp cháu bé 10 tuổi trốn thoát khỏi mẹ và cậu ruột chăn dắt ăn xin, mới thấy kẻ táng tận lương tâm, hành hạ, đánh đập, bóc lột trẻ em không chỉ là những kẻ khác máu tanh lòng mà còn có thể là chính người thân ruột thịt của những đứa trẻ bất hạnh. Biết để mà không còn hiểu đơn giản rằng, một người mẹ nghèo thì được quyền bắt con mình phải ra đường đi ăn xin kiếm tiền, và người mẹ ấy thì không hề bị xếp vào nhóm của những kẻ táng tận lương tâm chăn dắt trẻ em.

Bé gái 10 tuổi trốn thoát ngoạn mục khỏi mẹ và cậu ruột chăn dắt ăn xin

Chúng ta có lẽ đã quá quen với một tiền ước mặc định “hổ dữ không ăn thịt con”, với suy nghĩ cha mẹ đẻ ra con cái nên muốn làm gì với chúng thì làm. Thế là, một đứa trẻ đang học lớp 4 sắp thi học kỳ nhưng bị mẹ bắt bỏ học thì cũng chẳng ai đặt vấn đề về xâm phạm quyền trẻ em. Để rồi hậu quả tiếp theo là đứa trẻ ấy bị chính mẹ mình chăn dắt đi ăn xin. Bỏ sót nhận diện những sai phạm như thế là tạo ra một kẽ hở rất lớn trong chiến lược quan tâm, bảo vệ trẻ em.
Và điều nữa bị bỏ sót, là trong khi cộng đồng chỉ chú trọng đến việc phát hiện những kẻ chuyên nghiệp chăn dắt trẻ trẻ em ăn xin mà quên mất rằng bất cứ trường hợp nào đưa trẻ em ra đường ăn xin hay thậm chí là chào bán hàng rong với bất cứ lý do gì đều là phạm luật. Ngay cả trường hợp một người lớn nào đó vì lâm cảnh bế tắc thu nhập nhất thời phải ra đường ngửa tay nhận sự giúp đỡ thì cũng không được bắt trẻ em con mình cùng làm việc đó. Bất cứ người lớn nào có ý định dùng trẻ em để khai thác lòng trắc ẩn của người khác nhằm kiếm tiền đều là xâm hại quyền trẻ em.
Nhận thức triệt để hơn về quyền trẻ em thì mới có thể nâng mức hành động để bảo vệ trẻ em hiệu quả. Bất cứ ai cũng sẵn sàng thông báo với chính quyền trường hợp trẻ em có dấu hiệu bị đánh đập, bạo hành, bị bỏ rơi, bị lạm dụng. Bất cứ ai nhìn thấy trường hợp trẻ em ăn xin đều nên có hành động tối thiểu là gọi số 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để thông báo. Phải chuyển nhận thức thành hành động cụ thể. Phải xem đó là trách nhiệm của mỗi người lớn, chứ không phải chỉ của riêng ai đó được giao nhiệm vụ. Một anh cảnh sát giao thông, một anh thanh niên xung phong giữ gìn trật tự, một bạn trẻ mặc áo xanh Đoàn, Hội… hay một người dân đi đường đều nên tự đặt mình vào trách nhiệm ấy.

Bi kịch loạn luân trong vụ án mẹ ruột, cậu ruột chăn dắt bé gái 10 tuổi ăn xin

Chuyện tiếp theo phải nói đến là giải cứu trẻ em khỏi tay bọn người táng tận lương tâm đã khó, việc đảm bảo cho trẻ em bất hạnh một cuộc sống an toàn và ổn định sẽ càng khó hơn. Yêu cầu đó cần nhiều quyết tâm lắm, cần nhiều tấm lòng lắm. Nhưng nếu chính quyền quyết tâm và có cơ chế huy động cụ thể thì người dân chẳng bao giờ thiếu tấm lòng đóng góp nguồn lực để giúp đỡ trẻ em.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.