'Giải mã' nỗi lo của tân sinh viên

Lê Thanh
Lê Thanh
19/09/2022 07:15 GMT+7

Tân sinh viên (SV) nhập học với những nỗi lo bủa vây. Tuy nhiên, lo lắng nào cũng có những cách để tháo gỡ…

Nguyễn Hồng Tuấn, tân SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết thường nghe cách dạy ở bậc ĐH khác với THPT. Thế nên thời điểm này, điều mà Tuấn lo lắng nhất chính là sợ bị bỡ ngỡ với những phương pháp chuyển tải kiến thức mới mẻ trên giảng đường.

Còn Lê Phương Anh, tân SV của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thì kể suốt cả 12 năm sống cùng gia đình, không phải lo nghĩ về chuyện ăn uống, ngủ nghỉ. Chỉ cần chểnh mảng việc học hay thức khuya sẽ có ba mẹ nhắc nhở. Không khi nào phải lo đói... “Nhưng vào TP.HCM trọ học, bản thân phải lo đủ mọi vấn đề. Nào là cách để có thể phân bổ thời gian hợp lý. Rồi cả cách quản lý chi tiêu. Cách để né được những chiêu lừa của kẻ xấu...”, Phương Anh lo lắng.

Sinh viên làm thủ tục nhập học

Đ.N.T

Hồng Tuấn hay Phương Anh chỉ là hai trong số rất nhiều tân SV sẽ nhập học trong thời gian tới. Và những nỗi lo của hai tân SV này cũng chỉ là số ít trong muôn vàn nỗi lo của giới tân SV.

Bên cạnh việc lo ngại thích ứng chậm với môi trường ĐH, quản lý chi tiêu, thì còn đó những điều lo: lo nợ môn, lo lạc đường, lo bị chọc quê bởi giọng nói vùng miền, lo không tìm được nơi trọ phù hợp...

Lê Thị Huyền Trâm, quê ở H.Phú Tân (Cà Mau), tân SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, cho biết ngày càng có nhiều bẫy lừa giăng ra. Đối với những người chân ướt chân ráo lên TP.HCM nhập học, càng có nguy cơ bị lừa lọc, nên không những Trâm mà gia đình cũng lo lắng việc này.

Theo Nguyễn Thị Kim Thắm, SV năm 2 Trường ĐH Lao động - Xã hội tại TP.HCM, bản thân cũng đã từng lo lắng nhiều thứ khi bắt đầu cuộc sống SV. Để vơi đi những nỗi lo ấy, Thắm tư vấn: “Tân SV nên ở cùng với người thân, có thể là người bà con họ hàng, đồng hương... trong giai đoạn đầu tiên. Ngoài ra, hãy học cách quản lý thời gian của mình cho phù hợp hơn”.

Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Ngọc Trang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Quỹ Trí tuệ Việt, lưu ý tân SV: “Phải cân nhắc kỹ lưỡng kinh tế gia đình và nhu cầu bản thân. Từ đó, ưu tiên những chi phí thật sự cần thiết như: tiền trọ, ăn, uống, điện, nước, dụng cụ học tập, chi phí giáo dục... Biết kiểm soát bản thân để hạn chế sa đà vào những chi phí mà bạn muốn nhưng quá tầm tay”.

Đã từng là tân SV, Trần Kim Ngọc, SV năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Tân SV hãy chuẩn bị đầy đủ cho hành trình mới của mình tại môi trường mới. Có thể kể như chuẩn bị giấy tờ tùy thân để hoàn thành các thủ tục nhập học và đăng ký tạm trú là điều tiên quyết. Hãy tìm kiếm làm quen với các bạn cùng lớp, cùng ngành, cùng trường để có một “hội bạn xịn xò”, có thể cùng nhau học tập và tham gia các hoạt động, tránh bơ vơ bỡ ngỡ...”.

Còn Huỳnh Anh Tuấn, SV năm 4 của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhắn gửi đến những đàn em: “Trong giai đoạn ban đầu, những bạn ở tỉnh có thể sẽ khó khăn hơn, nào là môi trường sống, cách ăn uống, cách hòa nhập với bạn bè với cộng đồng xã hội. Nhưng hãy mạnh dạn lên, đừng rụt rè hay e ngại. Sự hòa đồng giúp thích ứng, hòa nhập dễ dàng hơn. Ngoài ra, hãy cài đặt những ứng dụng cần thiết như để di chuyển, mua thức ăn đồ uống… nhằm hỗ trợ bản thân khi cần thiết”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.