Có câu chuyện tình lãng mạn về tên một người con gái khắc trong chuông chùa qua bài thơ Vết chim bay của Phạm Thiên Thư, được nhạc sĩ Cung Tiến phổ nhạc vào năm 1975. Nhà văn Trần Thùy Mai cho biết Phạm Thiên Thư làm bài thơ này năm 1964, khi ông vừa xuất gia. Ông ngạc nhiên thấy tên một người con gái khắc trên chuông và nghe một câu chuyện tình lãng mạn mà trong đó hình bóng cô nữ sinh thường đến học bài ở sân chùa yên tĩnh đã in đậm trong lòng chú tiểu mới lớn…
Vợ chồng ca sĩ Camille Huyền (bên phải) cùng vợ chồng nhạc sĩ Cung Tiến |
Cung Tiến đã kể lại câu chuyện này bằng âm nhạc, lay động đến từng lời từng chữ. Lúc vừa ra đời, vì những biến động lớn của đất nước, bài hát đã không có điều kiện phổ biến đến người yêu nhạc. Camille Huyền là người đầu tiên trình bày bài hát này ở trong nước, với CD nhạc Cung Tiến Art Songs, ra đời trong dịp Festival Huế năm 2008: “Cõi người có bao nhiêu/Mà tình sầu vô lượng/Còn chi trong giả tướng/Hay một vết chim bay…?”.
Nguyệt cầm được nhạc sĩ Cung Tiến viết năm 1956, khi ông mới 18 tuổi, lấy ý từ bài thơ Nguyệt cầm của Xuân Diệu và tạo ra một tác phẩm gần như hoàn toàn mới. Ca khúc Kẻ ở, còn có tên là Mai chị về, thì được ông phổ nhạc từ bài thơ Dặm về ra đời năm 1945. Theo nhà văn Trần Thùy Mai, đây là một bài thơ có số phận rất đặc biệt, long đong phiêu bạt suốt gần nửa thế kỷ. Thời kháng chiến chống Pháp, bài thơ được nhiều người yêu mến ghi chép và thuộc lòng, nhiều người lầm là thơ Quang Dũng. Nhưng khi NXB Tác phẩm mới cho ra mắt tuyển tập thơ trọn đời của nhà thơ Quang Dũng, chính ông nói rõ mình không phải tác giả bài thơ này. Trong cuốn sổ tay thơ của Quang Dũng từ hơn 40 năm trước, ông ghi bài thơ ấy với nhan đề Không đề và bên dưới viết là “Không tác giả”.
Nhạc sĩ Cung Tiến |
T.L |
Sau nhiều công đoạn xác minh, cuối cùng công chúng yêu thơ cũng biết được tác giả thực sự của bài Dặm về: nhà thơ Nguyễn Đình Tiên, sinh năm 1924, quê ở Ninh Bình. Tác giả Nguyễn Đình Tiên cho biết ông làm bài này năm 21 tuổi. “Chị” ở đây là cô Phan Ánh Tuất, lúc ấy cũng 21 tuổi nhưng sinh trước nửa năm, học trước nên cô không ngần ngại xưng hô chị - em. Cô Tuất là con một điền chủ ở Nam bộ, chạy loạn ra Thanh Hóa, làm việc trong thư viện Văn hóa cứu quốc lúc đó. Nguyễn Đình Tiên thường đến mượn sách rồi thân quen. Nguyễn Đình Tiên âm thầm yêu “chị” nhưng không dám nói ra vì mặc cảm sinh sau, học sau… Một hôm, cô Tuất cho biết ngày mai sẽ cùng các em quay về Nam đoàn tụ với gia đình. Chàng trai cảm thấy như sét ngang tai, đêm đó chong đèn làm bài thơ đầu tiên và duy nhất trong đời tác giả. “Mai chị về em gửi gì không/Mai chị về nhớ má em hồng/Đường đi không gió lòng sao lạnh/Bụi vướng ngang đầu, mong nhớ mong…”.
Ca khúc Khói hồ bay được nhạc sĩ Cung Tiến phổ từ bài thơ của Nguyễn Tường Giang, sinh năm 1942, con trai út nhà văn Thạch Lam, tốt nghiệp bác sĩ Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1968, hiện hành nghề bác sĩ tại Mỹ. Khi ông Giang đưa bài thơ Thu ở Vermont cho người bạn tâm giao Cung Tiến đọc thì nhạc sĩ thích ngay và phổ thành ca khúc Khói hồ bay (1996)…
Và còn nhiều câu chuyện thơ lãng mạn khác qua nhạc Cung Tiến đã được nhà văn Trần Thùy Mai và ca sĩ Camille Huyền chia sẻ qua đêm nhạc tại Nhà hát Bến Xuân.
Tối 18.12, ca sĩ Camille Huyền và chồng (ông Trương Đình Ngộ), chủ nhân Nhà hát Bến Xuân (TP.Huế) tổ chức đêm nhạc Hạc vàng tung cánh về trên quê hương để tri ân, tưởng niệm cố nhạc sĩ Cung Tiến (1938 - 2022). Trước đây, nhạc sĩ Cung Tiến từng có dự định về Huế thực hiện một chương trình âm nhạc tại Nhà hát Bến Xuân bên bờ sông Hương, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát, và rồi nhạc sĩ đột ngột qua đời ngày 10.5.2022 tại California, Mỹ.
Trong đêm nhạc tối 18.12, có 15 ca khúc của cố nhạc sĩ Cung Tiến được 3 người bạn thân thiết của ông là nghệ sĩ Bích Liên (Mỹ), nghệ sĩ Camille Huyền (Thụy Sĩ - Huế), nhạc sĩ Trần Đại Phước (Mỹ) cùng bác sĩ Trần Thị Đoan Trang và các ca sĩ trẻ thể hiện. Tất cả khoản thu của đêm diễn và quyên góp tại chỗ được bàn giao cho BS Trần Thị Đoan Trang làm quà Noel cho trẻ em bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện T.Ư Huế.
Bình luận (0)