Bột ngọt là gia vị giúp món ăn ngon hơn
Khi nấu ăn, chắc hẳn nhiều người nội trợ trong gia đình có thói quen sử dụng các loại gia vị để nêm cho các món ăn thêm đậm đà, dậy vị. Một trong số các loại gia vị không thể thiếu đó chính là Bột ngọt (mì chính).
Bột ngọt mang lại vị umami hay vị ngon, vị ngọt thịt, đồng thời có tác dụng làm hài hòa các vị cơ bản, ngọt, chua, mặn, đắng; có hậu vị kéo dài, giúp tạo cảm giác thỏa mãn sau khi ăn, từ đó, giúp nâng vị ngon tổng thể của món ăn.
Thành phần chính của bột ngọt là glutamate, là axit amin tạo nên chất đạm có trong cơ thể người, và có trong hầu hết các thực phẩm tự nhiên như các loại thịt, các loại thủy hải sản, rau củ quả, sữa… Bột ngọt được phát minh từ hơn 1 thế kỷ trước, khi giáo sư hóa sinh người Nhật Bản Kikunae Ikeda tìm ra cách chiết xuất glutamate từ rong biển kombu. Ông cũng là cha đẻ của thương hiệu nổi tiếng toàn cầu Ajinomoto.
Hiện nay, bột ngọt được sản xuất bằng phương pháp lên men tự nhiên từ các nguyên liệu từ thiên nhiên như mía, khoai mì, ngô (bắp), củ cải đường... và được sử dụng phổ biến trên khắp thế giới.
Bột ngọt hỗ trợ thực hiện chế độ ăn giảm muối
Không chỉ giúp món ăn thêm đậm đà, dậy vị, bột ngọt còn có khả năng làm giảm lượng natri tiêu thụ mà vẫn duy trì được vị ngon cho món ăn. Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn - Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì - Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia), bột ngọt giúp điều hòa các vị cơ bản, có hậu vị kéo dài, giúp tạo cảm giác thỏa mãn sau khi ăn, từ đó nâng vị ngon tổng thể của món ăn. Lượng natri trong bột ngọt rất thấp.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng hướng dẫn, bạn có thể nêm 4g muối và 4,8g bột ngọt, từ đó có thể giảm đến 31% lượng natri tiêu thụ, nhưng món ăn vẫn ngon và vừa miệng.
Bột ngọt phù hợp cho mọi đối tượng sử dụng
Một số người lo ngại bột ngọt khi nêm vào món ăn trong quá trình chế biến gặp nhiệt độ cao có thể biến đổi thành chất có hại cho cơ thể. Trên thực tế nhiệt độ đun nấu hằng ngày chỉ ở ngưỡng dưới 270°C, ở nhiệt độ này, bột ngọt không bị biến đổi thành chất không tốt cho sức khỏe. Do đó, có thể nêm bột ngọt vào bất kỳ lúc nào trong quá trình chế biến.
Bột ngọt cũng được các tổ chức y tế, sức khỏe uy tín trên thế giới khẳng định là gia vị cho mọi đối tượng, bao gồm: JECFA (Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới); EC/SCF (Ủy ban Khoa học về Thực phẩm của Cộng đồng chung Châu Âu); FDA (Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ); Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản. Tại Việt Nam, Bộ Y tế Việt Nam cũng đưa bột ngọt vào danh mục các phụ gia được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Bột ngọt cũng là thành phần lành tính với trẻ em ở tất cả các giai đoạn. Ở tuần thai 16, em bé đã phát triển các thụ thể vị giác trên lưỡi cho phép nếm các vị khác nhau bao gồm vị "umami" từ nước ối của người mẹ. Sữa mẹ chứa một hàm lượng cân đối các axit amin, trong đó có glutamate chiếm một tỷ lệ cao vượt trội. Như vậy, một cách tự nhiên trẻ được cung cấp một hàm lượng đáng kể glutamate thông qua sữa mẹ. Hội Nhi khoa Hoa Kỳ chỉ ra việc sử dụng mì chính ở người mẹ trong thời kỳ cho con bú không ảnh hưởng tới trẻ bú sữa mẹ hoặc tác động đến việc tiết sữa mẹ. Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia Thực phẩm thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đưa ra kết luận: "Quá trình chuyển hóa bột ngọt trong cơ thể trẻ em và người lớn là như nhau và không có bất kỳ mối nguy nào đối với trẻ em được chỉ ra khi sử dụng bột ngọt".
Ngoài ra, đối với tin đồn bột ngọt có thể gây tổn hại cho trí não, gây mất trí nhớ, bác sĩ Hưng đã phân tích: Hầu hết glutamate từ bột ngọt được tiêu thụ qua đường tiêu hóa sẽ được sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng cho hoạt động của ruột. Hơn nữa hàng rào máu-não trong não bộ con người có khả năng ngăn sự di chuyển của glutamate sẵn có trong máu đi vào não. Vì vậy bột ngọt không gây ảnh hưởng đến trí não.
Bình luận (0)