Giải quyết nguy cơ ùn tắc đăng kiểm bằng cách nào?

20/06/2024 06:19 GMT+7

TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử từ tháng 7.2024 đối với 254 bị cáo trong vụ án đưa - nhận - môi giới hối lộ… xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN, các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và các địa phương khác. Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm đang dần đến gần, liệu có giải pháp nào khả thi?

Hàng trăm đăng kiểm viên hầu tòa

TAND TP.HCM đã lên lịch xét xử từ tháng 7.2024 đối với 254 bị cáo trong vụ án đưa - nhận - môi giới hối lộ… xảy ra tại Cục Đăng kiểm VN, các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) tại TP.HCM và các địa phương khác. Theo đó, vụ án được xét xử từ ngày 18.7 - 18.10 tại trụ sở TAND TP.HCM và trại tạm giam Chí Hòa.

Ở thời điểm hiện tại, tình hình đăng kiểm vẫn diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu ùn tắc như dự báo. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vào sáng 18.6, lượng phương tiện đến đăng kiểm tại các TTĐK 50-04V, 50-03S khá vắng vẻ, ở thời điểm đông nhất có khoảng 50 xe ô tô, xe đầu kéo xếp hàng chờ đợi. Lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết hiện cả nước có 274/294 TTĐK với 446/546 dây chuyền kiểm định đang hoạt động, công suất kiểm định tối thiểu 642.240 phương tiện một tháng, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc trong năm 2024 bởi nhu cầu kiểm định cả nước tháng cao nhất chỉ hơn 500.000 xe.

Giải quyết nguy cơ ùn tắc đăng kiểm bằng cách nào?- Ảnh 1.

Hàng trăm đăng kiểm viên sẽ hầu tòa vào tháng 7.2024

Q.T

Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm VN, khi các vụ án sai phạm đăng kiểm đồng loạt được xét xử trong tháng 7.2024, cả nước có 2.474 đăng kiểm viên nhưng hơn 900 người đã bị khởi tố. Trong số 1.818 đăng kiểm viên thực tế đang tham gia hoạt động kiểm định hiện nay, có 291 người bị khởi tố, sắp đưa ra xét xử. Từ các trường hợp bị kết án, dự báo sẽ có 91 TTĐK phải đóng cửa trong thời gian 3 tháng, tức là đến hết tháng 9.2024 mới có thể mở cửa hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, 100% các TTĐK thuộc Cục Đăng kiểm VN tại Hà Nội và TP.HCM sẽ phải đóng cửa, nguy cơ ùn tắc tại các địa phương là chắc chắn sẽ xảy ra, đặc biệt nghiêm trọng tại Hà Nội, TP.HCM và Đồng Nai.

Theo quy định của pháp luật, trường hợp đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực của tòa, liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên, khiến nhiều TTĐK trên cả nước phải dừng hoạt động.

Vẫn chờ đợi giải pháp

Dự báo tình hình đăng kiểm có nguy cơ ùn tắc gây thiệt hại lớn, các doanh nghiệp vận tải đang "đứng ngồi không yên". Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Vận tải VN, bộc bạch: "Các doanh nghiệp vận tải hiện nay rất lo lắng khi khả năng ùn tắc đăng kiểm có thể gây thiệt hại rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo các doanh nghiệp trên cả nước chủ động sắp xếp lịch hoạt động để đưa phương tiện kiểm định sớm để tránh giai đoạn cao điểm sắp tới. Tuy nhiên, mong muốn lớn nhất hiện nay là các cấp, các cơ quan quản lý cần thống nhất, xem xét để có giải pháp tháo gỡ một cách phù hợp, kịp thời để giảm thiểu đến mức thấp nhất rủi ro, thiệt hại cho doanh nghiệp".

Ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cũng cho biết: "Chúng tôi đã gửi danh sách các ứng viên bù đắp vào lực lượng đăng kiểm viên từ tháng 11.2023 nhưng cho đến nay Cục Đăng kiểm vẫn chưa hồi đáp, điều này đồng nghĩa với giải pháp về nhân sự chưa có lối ra. Nếu các quy định được giữ nguyên, không có sự sửa đổi nào thì e rằng ngành đăng kiểm sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với hoàn cảnh này thì cho dù có dự báo trước nguy cơ, TP.HCM cũng chưa có cách nào khả thi ngoài việc khuyến cáo người dân chủ động đăng kiểm sớm trước thời hạn".

Giải quyết nguy cơ ùn tắc đăng kiểm bằng cách nào?- Ảnh 2.

Tình hình đăng kiểm vẫn đang ổn định trước khi xét xử vụ án

Q.T

Về phía Cục Đăng kiểm cũng đã kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP và Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, đề xuất không thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các trường hợp bị tòa án kết tội, cho hưởng án treo, không cấm hành nghề hoặc cho cải tạo không giam giữ. Đồng thời, kiến nghị không đóng cửa các đơn vị đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên đối với các vụ án đăng kiểm bị khởi tố. Như vậy sẽ tránh gây thiệt hại không đáng có cho người dân và doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, những kiến nghị này chưa rõ có khả thi hay không, bởi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có những mức nặng nhẹ khác nhau, liên quan tới nhiều quy định khác nhau của pháp luật, không thể tùy tiện thay đổi được. Vì thế, những kiến nghị này vẫn chỉ là giải pháp tình thế hơn là dài hạn, có thể phát sinh những hậu quả khó lường khác.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhận định ngoài việc trông chờ vào việc sửa đổi Nghị định, Bộ GTVT có thể tính đến việc sửa đổi, giãn chu kỳ đăng kiểm vì các quy định về thời hạn kiểm định hiện nay còn quá dày đặc, thiếu cập nhật thực tế về công nghệ sản xuất

ô tô hiện đại và gây bất tiện cho người dân. Đơn cử như tại châu Âu, ô tô con mới sản xuất được miễn kiểm định 3 năm đầu và về sau cứ định kỳ 2 năm mới kiểm định một lần, không quan tâm tới năm sản xuất. Nhật Bản, Hàn Quốc cũng tương tự. Còn ở Mỹ, tại một số tiểu bang, xe mới được miễn kiểm định tới 4 năm, về sau cũng chỉ có định kỳ 2 năm không quan tâm tới năm sản xuất…

So sánh với VN có thể thấy quy định về chu kỳ kiểm định ô tô con mới sản xuất đến hết năm thứ 7, đã tương đồng với các nước phát triển như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ… Tuy nhiên, quy định chu kỳ kiểm định 12 tháng/lần với xe sản xuất từ sau 7 - 20 năm và 6 tháng/lần với xe sản xuất sau 20 năm, còn quá dày đặc. Tính ra, một chiếc xe con đến 9 chỗ ngồi, không kinh doanh vận tải, lưu hành tại VN, sẽ phải thực hiện kiểm định tới 14 lần/20 năm, cao hơn so với 9 lần/20 năm ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Nếu chiếc xe này lưu hành 30 năm, sẽ phải kiểm định tới 34 lần, trong khi ở các nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ chỉ 14 lần.

"Theo thống kê của Cục Đăng kiểm VN, khoảng 70% xe con ở VN là của các hãng Nhật Bản và Hàn Quốc, phần còn lại là xe từ Mỹ và EU. Vậy tại sao không theo luôn tiêu chuẩn kiểm định của các quốc gia này?", ông Nguyễn Minh Đồng đặt câu hỏi.

Trong khi đó, giải pháp khuyến khích người dân đi kiểm định sớm trước thời hạn chỉ phù hợp với các xe gia đình, xe cá nhân không kinh doanh. Còn đối với các doanh nghiệp có đội xe lớn, chi phí kiểm định và phí sử dụng đường bộ sẽ đội lên rất cao nếu đăng kiểm trước thời hạn. 

Cục Đăng kiểm dự báo cả nước có tới 36 địa phương có nguy cơ bị ùn tắc phương tiện đến kiểm định, thậm chí có những địa phương không còn TTĐK nào hoạt động như Bắc Kạn và Thái Bình. Ùn tắc sẽ lan ra cả nước do các phương tiện tìm đến kiểm định tại các địa phương khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.