Giảm điện than, tăng tốc năng lượng tái tạo

Nguyên Nga
Nguyên Nga
11/10/2024 06:17 GMT+7

Tỷ lệ huy động điện than (nhiệt điện) vẫn còn khá cao, chiếm 50% trên tổng sản lượng khiến cuộc chiến tiến đến net zero ngày một cam go.

Điện than chiếm 50% trên toàn hệ thống

Tính hết quý 3 năm nay, tỷ lệ nhiệt điện huy động chiếm một nửa trên toàn hệ thống, đạt 115,27 tỉ kWh, chiếm 49,6%. So cùng kỳ năm ngoái là 46,3%, nhiệt điện huy động cao hơn 18 tỉ kWh. Năm 2023, nguồn nhiệt điện than huy động đạt 26.757 MW, chiếm tỷ trọng 33,2% trên toàn hệ thống. Còn năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời (ĐMT) và điện gió đạt 30,08 tỉ kWh, chiếm 12,9%; thủy điện đạt 65,57 tỉ kWh, chiếm 28,2%.

Giảm điện than, tăng tốc năng lượng tái tạo- Ảnh 1.

VN còn lệ thuộc nặng vào điện than

ẢNH: LNH

Theo cam kết giảm phát thải CO2 và tiến tới trung hòa carbon vào năm 2050 của VN, đến năm 2030, nhiệt điện than chỉ còn khoảng 20% tổng công suất các nguồn điện của cả nước và đến năm 2050 VN chấm dứt sử dụng than để phát điện.

Vì thế Quy hoạch điện 8 cũng đưa ra lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Dự kiến đến năm 2030, VN chỉ phát triển đến 30.127 MW điện than và sau năm 2030 sẽ không có dự án điện than mới, đồng thời các nhà máy nhiệt điện phải chuyển dần sang đốt kèm sinh khối/ammoniac từ năm 2035. Đến nay, nguồn điện than cũng đã phát triển và đang vận hành đến hơn 26.500 MW.

Giảm điện than, tăng tốc năng lượng tái tạo- Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng tháo gỡ cơ chế, chính sách để thúc đẩy năng lượng tái tạo phát triển

ẢNH: GIA HÂN

Có thể thấy, giữa mục tiêu và thực tế còn một khoảng cách khá xa. Nhưng theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, nguồn điện nền không phụ thuộc vào điện than thì không biết dựa vào nguồn nào. Mới đây, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã họp với Tập đoàn Than và khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc để bàn về việc cung ứng đủ than cho các nhà máy nhiệt điện từ nay đến cuối năm và sang năm 2025. Điều này cho thấy nguồn điện than rất quan trọng với nền kinh tế.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình phân tích, hiện đã qua giai đoạn cao điểm mùa khô và đang trong mùa mưa, tuy nhiên việc vận hành các nhà máy nhiệt điện than vẫn đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo cung cấp điện. Đến hết quý 3 năm nay, 50% nguồn điện vẫn còn phụ thuộc vào điện than là minh chứng rõ nhất. "Thủy điện có nước về nhiều hơn nhưng công suất khai thác đến ngưỡng đó thôi, tăng nữa là không có. Còn năng lượng tái tạo được bàn thảo nhiều, đến nay cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà chưa có, nguồn điện gió cũng chưa thấy. Vậy có nguồn nào nữa đâu để bù cho điện than mà không phụ thuộc? Để bảo đảm an ninh năng lượng, không bị gián đoạn thì nguồn điện than trong vài năm tới vẫn đóng vai trò quan trọng", ông Đình nói.

Vì sao chưa thể "thoát" điện than?

Trong Quy hoạch điện 8, đến năm 2030 nhiệt điện khí được coi là "trụ đỡ" cơ cấu nguồn điện của VN. Mới nhất, Thường trực Chính phủ cũng đã đề nghị Bộ Công thương khẩn trương rà soát tổng thể các nguồn điện trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 theo hướng chuyển điện nền từ điện than sang điện khí, ưu tiên sản xuất trong nước để tăng trưởng điện đạt 12 - 15%. Các chuyên gia năng lượng có chung nhận định, Quy hoạch điện 8 về tổng thể đã thống nhất được một phương án "đủ và xanh" nhưng có thể khó thực hiện hơn Quy hoạch điện 7 điều chỉnh do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện tái tạo. Trong khi các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, ammoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.

Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, nói thẳng: Chủ trương chuyển nguồn điện nền từ than sang điện khí, khí hóa lỏng và điện gió thể hiện rất rõ trong Quy hoạch điện 8 nhưng các dự án này đến nay đều trễ. Vì thế trước mắt, nhiệt điện than vẫn là nguồn điện quan trọng.

"Nhiệt điện than được xem như xương sống của nền kinh tế. Việc điều chỉnh giảm mạnh điện than lúc này giống như chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng, vô cùng cam go. Chính phủ cũng rất sốt ruột với lộ trình chuyển đổi năng lượng bởi chúng ta đã có cam kết mang tầm quốc gia và quốc tế. Vậy nên, ngoài những lý do bất khả kháng, việc thực hiện đúng cam kết theo lộ trình là điều bắt buộc. Tuy vậy thực tế cho thấy không chỉ phụ thuộc vào điện than và nguy cơ thiếu điện đến năm 2030 là rất lớn. Trong khi để phát triển kinh tế, an ninh năng lượng là vấn đề quan trọng hàng đầu của một quốc gia. 

Thế nên, giải pháp cấp bách là phải sửa đổi Quy hoạch điện 8, cởi mở tối đa với nguồn ĐMT tự sản, tự tiêu, bán ra trong khu công nghiệp, khu dân cư, tòa nhà, công sở… Có chính sách ưu tiên rõ ràng cho nhà đầu tư ĐMT có đầu tư pin tích trữ. Song song đó, chính sách thí điểm với điện gió ngoài khơi phải được ban hành, triển khai đồng bộ. Chúng ta vướng quá nhiều chính sách liên quan phát triển điện gió ngoài khơi từ nhiều năm qua, nay tìm cách để tháo bung nó ra, mới sớm có nguồn điện nền thay thế điện than được", ông Lâm nhấn mạnh.

Khẩn trương triển khai điện gió ngoài khơi

Giảm điện than, tăng tốc năng lượng tái tạo- Ảnh 3.

Điện gió ngoài khơi đang được quan tâm rất lớn trong phương án bổ sung nguồn điện sạch trong tương lai. Để làm bước đệm phát triển thị trường điện gió ngoài khơi tại VN, mới đây Chính phủ đã giao Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) nghiên cứu triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên. Theo đó, PVN sẽ xây dựng đề án chi tiết để triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, phù hợp với mục tiêu được đề ra trong Quy hoạch điện 8. Trước đó, trong Thông báo số 442 của Văn phòng Chính phủ ngày 1.10, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương phối hợp với PVN để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi. 

Thông báo cũng nêu rõ: "Từ nay đến 2030 không còn nhiều, việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi rất cần thiết để bảo đảm thực hiện Quy hoạch điện 8". Theo Bộ Công thương, nhằm tạo sự liên thông và đẩy nhanh quá trình thực hiện, dự án điện gió ngoài khơi thí điểm của PVN dự kiến được triển khai ở khu vực phía nam, để có thể tận dụng lợi thế có nhiều cơ sở công nghiệp, nhà máy của PVN đang hoạt động tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự kiến, việc nghiên cứu làm điện gió ngoài khơi của PVN phải được thi công với mục tiêu nhanh nhất là phát điện trước năm 2030.

Tại lễ công bố báo cáo "Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi cho kịch bản phát triển nhanh của VN" ngày 4.10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, song song với triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi, VN cần thiết xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển chuỗi công nghiệp điện gió ngoài khơi. Trong đó, chú trọng các chính sách về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp hay các chính sách ưu đãi khác.

Theo Hội đồng khoa học (Tạp chí Năng lượng VN - Hiệp hội Năng lượng VN), cần có những giải pháp mang tính đột phá, thử nghiệm để vừa làm vừa rút kinh nghiệm xây dựng cơ chế cho điện gió ngoài khơi. Thứ nhất, nên có cam kết về giá mua điện và lộ trình tăng giá đảm bảo cho doanh thu của nhà đầu tư, dù việc này có thể dẫn tới tăng giá điện bán lẻ chút ít. Cho phép đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện theo các cam kết này làm cơ sở cho việc huy động vốn vay của dự án. Thứ hai, chọn sơ bộ một vài chủ đầu tư trong nước, hoặc liên doanh với nước ngoài, dựa trên năng lực tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm, vận hành các dự án điện gió để thực hiện. 

Sau đó, cùng nhà đầu tư thử nghiệm cơ chế thí điểm cho dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên của VN. Thứ ba, nhà đầu tư được chọn phải được giao khu vực biển để khảo sát và độc quyền phát triển điện gió tại đó (với quy mô ban đầu không dưới 1.000 MW) và không gian để tiếp tục mở rộng quy mô công suất. Thứ tư, mở rộng các quy định cho các công ty trong nước tham gia cùng đối tác quốc tế trong chuỗi giá trị điện gió để xuất khẩu ra nước ngoài…

Với ĐMT mái nhà, đến nay nghị định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà tự sản tự tiêu vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, cũng trong tháng 10 này, sau những cuộc họp với sự chỉ đạo của Thủ tướng và Phó thủ tướng Chính phủ, dự thảo nghị định về cơ chế ĐMT mái nhà được cơ quan soạn thảo tiếp thu, nhiều quy định được cởi mở hơn. Đặc biệt, mở rộng cho nhiều tổ chức tham gia, một số trường hợp được phát triển không giới hạn công suất. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất kinh doanh… được khuyến khích phát triển. Theo đó, việc "bán điện cho hàng xóm" với ĐMT lắp trong khu công nghiệp cũng được tháo gỡ, không giới hạn nếu không phát lên lưới quốc gia. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, tổ chức lắp ĐMT tự dùng, không phát lên lưới, không bán lên lưới, nhưng có thể chia sẻ nguồn với hàng xóm mà không phải xin phép...

Với tiềm năng điện tái tạo ở VN, các chuyên gia khẳng định, nếu cơ chế thoáng, tăng tốc thực thì việc thực hiện kế hoạch đề ra sẽ bớt khó khăn hơn, nhất là giai đoạn nước rút sau này. 

Công ty TNHH MTV vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO, thuộc Bộ Công thương) tính toán, đến năm 2025, nhu cầu than để sản xuất điện dao động trong khoảng 27,31 - 28,53 triệu tấn. Khối lượng than này nằm trong phạm vi thỏa thuận hợp tác mà EVN, TKV và Đông Bắc đã ký kết nhằm bảo đảm đủ than cho sản xuất điện. Với các nhà máy nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu, nhu cầu than khoảng 11,13 triệu tấn trong năm 2025.

Tính hết ngày 30.9.2024, trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đã có 72 dự án với tổng công suất 4.128 MW được nhà đầu tư đề nghị bán điện lên lưới với mức giá tạm bằng 50% giá trần theo khung giá của Bộ Công thương quy định tại Quyết định 21. Các dự án này đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Đến nay, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện với 64/72 dự án và Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 63/72 dự án này. Hiện có 29 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.577,65 MW đã hoàn thành thủ tục công nhận vận hành thương mại (gọi tắt là COD), phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án điện tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 30.9.2024 đạt hơn 3,751 tỉ kWh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.